Không thể có khái niệm 'Zero COVID-19', cần sống chung an toàn với dịch

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần hướng tới việc sống chung thích ứng an toàn với dịch COVID-19, dần coi dịch là bình thường.

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời. Các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa trở lại. TP.HCM cũng vừa có dự thảo về việc từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế - xã hội. Nhiều tuyến hẻm ở TP.HCM cũng được gỡ rào chắn và giải tỏa một số chốt chặn vùng xanh trong ngày 28/9.

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần hiểu chung sống thích ứng an toàn với COVID-19 là phải đảm bảo an toàn, duy trì các biện pháp phòng bệnh chứ không buông xuôi.

Một chốt chặn, chốt tự quản "vùng xanh"ở quận Gò Vấp được tháo dỡ trong ngày 28/9.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khi quyết định sống chung với COVID-19, đồng nghĩa Việt Nam sẽ chấp nhận việc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, không thể có khái niệm "Zero COVID-19". Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiểm soát được dịch, không để số ca mắc tăng quá cao. Theo ông Phu, để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch, chúng ta có thể tính toán số ca mắc COVID-19 trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương vẫn phải duy trì hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai biện pháp phòng, chống kịp thời. Đó là áp dụng các biện pháp phong tỏa ổ dịch, nhưng cũng phải có sự đánh giá về yếu tố nguy cơ, đảm bảo "nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó", tránh việc phong tỏa quá rộng, không theo nguy cơ gây ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, mỗi người dân cũng cần phải thực hiện tốt theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, điều này có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Đồng quan điểm với PGS Phu, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc truy vết, phong tỏa, giãn cách rộng là không cần thiết vì nó ảnh hưởng đến đời sống cũng như nền kinh tế của nước nhà. “Chúng ta cần phải bắt đầu sống chung với dịch, dần coi dịch là bình thường” – ông Nga nói.

Ông Nga cũng cho rằng, cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 là lây từ người sang người khi có sự tiếp xúc gần, không phải lây ngoài không khí. Do đó, khi có trường hợp F0 cần xác định cách ly từng khu vực và khoanh vùng ở khu vực đó sẽ hiệu quả hơn là thực hiện giãn cách cả rộng cả phường, quận. Đồng thời, trong khu vực nhỏ cũng xác định lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên để khoanh vùng.

Từ ngày 28/9, người dân Hà Nội đã dậy sớm chạy, đạp xe và đi bộ sau hơn 2 tháng tạm dừng các hoạt động thể thao ngoài trời.

Nhanh chóng bao phủ ít nhất 70% dân số tiêm vaccine COVID-19

Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần bao phủ ít nhất 70% dân số tiêm vaccine COVID-19. Đặc biệt, cần ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền để phòng nhóm đối tượng này bị mắc bệnh thì cũng chỉ có diễn biến nhẹ và không tử vong. “Việt Nam cần nhanh chóng đảm bảo tiêm đủ 2 liều vaccine cho người dân trong thời gian tới. Khi đảm bảo được nguồn vaccine, chúng ta cũng cần sớm tiêm chủng cho trẻ em”- ông Phu cho biết.

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Dự thảo này cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết, hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước, thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp.

“Hướng dẫn nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”- bà Hương cho biết.

Dự thảo hướng dẫn cũng cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, thích ứng ở đây là ở mức bình thường mới, nghĩa là chúng ta không theo đuổi không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn.

"Các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời; các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm" - bà Hương nói./.