Khu công nghiệp vắng bóng công nhân

Thời điểm này, tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ không thấy cảnh công nhân tập trung đón xe, tàu về quê nhộn nhịp như mọi năm. Nguyên nhân được cho là người lao động đã về từ nhiều tháng nay do không có việc làm.

nguoi-lao-dong-1673505713.jpg Khó khăn về đơn hàng, ngành may cũng phải cắt giảm lượng lớn người lao động. Ảnh minh họa: Quang Vinh.

Công nhân nghỉ Tết sớm

Anh Bùi Bá Tuấn (quê Hà Tĩnh) cho biết, anh vào Bình Dương làm tại công ty về chế biến gỗ thuộc thị xã Tân Uyên được 4 năm. Năm đầu tiên anh Tuấn không về, hai năm sau do đại dịch Covid-19 nên anh ở lại Bình Dương. Năm 2022 là năm thứ 4 xa nhà, tình hình dịch ổn định hơn, anh Tuấn nghĩ bụng sẽ cố gắng làm đến cuối năm, tích góp ít kinh phí về hỗ trợ cho cha mẹ già ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, kế hoạch của anh Tuấn không trọn vẹn khi công ty nhiều tháng không có đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc. Mãi đến tháng 10/2022 công ty ký được hợp đồng mới, tưởng rằng làm đến sát Tết rồi nghỉ luôn nhưng công việc của anh Tuấn và đồng nghiệp cũng chỉ đủ làm trong 2 tháng. Đến tháng cuối cùng của năm 2022 lại thất nghiệp. Cầm số tiền ít ỏi sau những năm đầy biến động, anh Tuấn đành đón xe về quê ăn Tết sớm hơn 3 tuần so với lịch nghỉ Tết của cả nước. “Tôi tính chuyển công ty khác để ổn định nhưng năm nay nhiều nơi cũng cho người lao động nghỉ việc, cộng với cuối năm muốn chuyển đi đâu cũng khó. Về quê cũng chẳng có việc làm, ở lại thì tháng mưa, tháng nắng” - anh Tuấn chia sẻ.

Trường hợp của chị Lê Thị Liên, công nhân may tại Khu chế xuất Tân thuận (TPHCM) còn oái ăm hơn. Theo chị Liên, 6 tháng trước, công ty thông báo gặp khó khăn về đơn hàng nên tạm thời cho công nhân nghỉ. Đến đầu tháng 11/2022, công ty cắt giảm 50% lượng công nhân, trong đó có chị Liên. Rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập, chị Liên đành phải rời TPHCM về quê. “9 năm làm việc tại Sài Gòn, chưa lần năm nào tôi phải về quê sớm như năm nay. Tính cả năm qua, phải đến 6 tháng gần như không có lương chứ nói gì đến thưởng Tết” - chị Liên nói.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới đây, bà Phạm Thị Út, đại diện một công ty tại TPHCM có lượng công nhân giày da phải nghỉ việc nhiều cho biết, doanh nghiệp của bà chủ yếu sản xuất hàng đi các nước châu Âu, vào những tháng cuối năm, đơn hàng giảm 80%, chỉ còn lại những hợp đồng nhỏ nên công ty đành phải cho hơn 1.000 công nhân nghỉ việc, hiện nay số lao động còn lại chỉ khoảng gần 600 người. “Chúng tôi xem lao động là vốn quý của công ty, khó khăn lắm mới phải đưa ra quyết định này. Mặc dù vậy, những lao động phải nghỉ việc hay đang làm, chúng tôi sẽ cố gắng chăm lo ở mức tốt nhất có thể” - bà Út thông tin.

Các dịch vụ cũng lao đao

Khoảng hơn một tháng nay, tại các cửa hàng, quán tạp hoá, cơ sở dịch vụ xung quanh khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ vắng vẻ công nhân. Bà Lê Minh Tuyết, một tiểu thương gần Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh) cho hay, trước đây cửa hàng tạp hoá của bà có doanh thu trung bình 5 triệu đồng/ngày, 3 tháng nay doanh thu giảm chỉ còn 1/3, do lượng công nhân sống ở các khu trọ về quê nhiều, hàng hóa tồn, không bán được.

Còn ông Trần Đình Tân, người chuyên cho thuê nhà trọ ở gần Khu Công nghiệp Việt Hương (TP Thuận An, Bình Dương) cho hay, ông đang gặp rất nhiều khó khăn vì không có người hỏi thuê. Theo ông Tân, ông thuê các mảnh đất trống để xây nhà trọ cho công nhân. Nhưng suốt 2 năm nay công việc này đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều do lượng người thuê, mà chủ yếu là công nhân ngày một thưa dần. Đặc biệt, khoảng 3 tháng cuối năm nay, tình trạng công nhân trả lại nhà diễn ra thường xuyên. Thông thường vào dịp cận Tết, chỉ khoảng 20% phòng trọ được công nhân trả để về quê nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại khoảng 60% đã trả phòng, dự kiến những ngày giáp Tết, con số còn tăng cao.

Không những gặp khó khăn vì nguồn thu cho thuê nhà bị ảnh hưởng lớn, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho ông Tân thêm đau đầu. “3 năm gần đây kinh doanh cho thuê nhà trọ không có lãi, hợp đồng với chủ đất, chủ nhà trọ đa phần vẫn đang còn nhưng bây giờ muốn rút ra không được do cơ sở vật chất mình mới xây dựng, nếu bỏ là mất hết. Hiện mỗi tháng gia đình tôi phải gồng gánh đóng khoản nợ gốc và lãi ngân hàng lên tới 400 triệu đồng. Xem ra tình hình trong năm tới chưa thấy tín hiệu gì đáng phấn khởi” - ông Tân rầu rĩ nói.

Trước thực trạng khó khăn của những lao động bị mất việc làm trong dịp cuối năm, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương, cho biết, tỉnh đã và đang huy động mọi nguồn lực để chăm lo chu đáo cho người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023, nhất là những lao động bị nghỉ việc. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trích 40 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ 25 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động.