Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023?

Với tình trạng thanh khoản thị trường thấp trong thời gian gần đây, chỉ số VN-Index có thể xuất hiện biến động giá trong ngắn hạn. Đây vừa là "nguy", nhưng cũng có thể là "cơ" với các nhà đầu tư chứng khoán có kỷ luật trong năm nay.

Năm 2023 được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ "dễ thở" hơn với lĩnh vực chứng khoán khi thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn định giá hấp dẫn. Trong lịch sử 15 năm trở lại đây, định giá P/E lần thứ 5 về dưới mức 11 lần. Đây được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn.

“Thanh khoản thị trường hiện tại đang thấp so với đỉnh cao năm 2021 đầu 2022. Điều này cho thấy nhu cầu bán đã giảm thấp. Định giá giá trị tài sản bên bán đã coi đây là vùng giá hợp lý, tuy nhiên bên mua chưa thể hiện nhu cầu ở mức giá hiện tại”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace đánh giá.

Trong ngắn hạn, giới chuyên gia cho rằng vẫn sẽ tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Điển hình như kinh tế toàn cầu đối diện rủi ro suy thoái, kinh tế Việt Nam gặp thách thức khi lượng trái phiếu năm 2023 đáo hạn đạt mức cao, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát, triển vọng tăng trưởng chậm lại,…

Ở góc độ vĩ mô, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược Thị trường tại Chứng khoán KB nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy giảm với những dấu hiệu dễ nhận biết như: bất động sản giảm giá, dự trữ ngoại hối giảm, tiền đắt... Do đó, khó có thể trông chờ vào một nhịp tăng điểm mạnh.

Với tình trạng thanh khoản thị trường thấp trong thời gian gần đây, ông Đức Anh cho rằng, chỉ số VN-Index có thể xuất hiện biến động giá trong ngắn hạn. Đây vừa là "nguy", nhưng cũng có thể là "cơ" với các nhà đầu tư chứng khoán có kỷ luật trong năm nay.

Một kịch bản dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 được các chuyên gia đề cập, đó là việc VN-Index có thể giảm điểm nhằm tiếp cận vùng giá cổ phiếu rẻ hơn vào quý 1 và đầu quý 2, trước khi quay trở lại vùng giá hợp lý.

"Những điều chỉnh này sẽ diễn ra rất nhanh, đòi hỏi nhà đầu tư phải có phương pháp, kỷ luật và phản ứng tức thời để nắm bắt cơ hội", ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace nói.

Vị chuyên gia dự báo, giai đoạn 5 tháng đầu năm, tức là cho đến sau kỳ đại hội cổ đông của 2023, thị trường sẽ trong xu hướng đi ngang. Tất nhiên, có thể sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp “rớt đài, vỡ đáy” trong tháng 4, tháng 5 do nhiều nhà đầu tư thất vọng về kết quả của việc họp đại hội cổ đông.

Ngược lại, sẽ có những doanh nghiệp rất kỳ vọng vào đại hội cổ đông, các doanh nghiệp sẽ đưa ra được chiến lược mới, để lấy được thị phần.

"Việc các chủ doanh nghiệp xuất hiện trong đại hội cổ đông và thể hiện được uy lực công ty có thể đi ngược lại thị trường chung và giành được thị phần. Đấy mới là điều tôi quan tâm, chứ không phải câu chuyện lợi nhuận quý 1 hay quý 2 có tăng trưởng hay không. Phải hiểu là nguồn gốc của tăng trưởng lợi nhuận, đến từ việc có tăng trưởng được khách hàng, hay doanh thu hay không", ông Tuấn Anh nêu.

Sau giai đoạn đầu năm, vị chuyên gia này khá lạc quan vào giai đoạn cuối năm 2023, tin rằng thị trường có thể quay lại những ngưỡng khá cao.

“Thời điểm một sóng tăng điểm trở lại có thể trong khoảng từ tháng 6, tháng 7/2023. Đó cũng sẽ là thời điểm giải ngân thích hợp. Các điều kiện cần là xu hướng lãi suất được giữ ở mức ổn định, hoặc giảm. Còn điều kiện đủ thì phải dựa vào các tín hiệu từ phân tích kỹ thuật để tìm được đúng điểm mua chính xác”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để đón được cơ hội năm 2023, vị chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần sẵn sàng tâm thế vững vàng. Cụ thể là cần hiểu rõ và định lượng được mong muốn tài chính trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xây dựng cho mình sức khỏe tài chính cá nhân tốt với tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng ổn định và sẵn sàng quỹ dự phòng trước khi đầu tư.

Về các nhóm ngành tiềm năng, ông Nguyễn Nhật Khánh - Chuyên gia đầu tư cơ bản tại FinPeace đánh giá, Bảo hiểm và Cao su - Khu công nghiệp là 2 ngành ít chịu tác động và được hưởng lợi từ hoạt động tăng trưởng bền vững.

Ngành Bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ lãi suất, dư địa tăng trưởng còn nhiều, vẫn tăng trưởng tốt trong những năm thị trường xấu. Nhất là khi Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm, mục tiêu đến năm 2025 là 15% dân số. Ngoài ra, nhu cầu bảo hiểm luôn gia tăng theo thu nhập và nhận thức về sự kết hợp như món đầu tư an toàn.

Trong khi đó, ngành Cao su - Khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng như tận dùng dòng vốn FDI dồi dào vẫn đổ vào thị trường Việt Nam.