Kiểm soát để ổn định thị trường

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu con số tính đến ngày 30-9, toàn thị trường có khoảng 1,2 triệu tỉ đồng trái phiếu DN, chiếm gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại.

Nếu phân tích kỹ sẽ thấy trái phiếu DN chỉ phát triển từ giai đoạn 2019 và bùng nổ trong 2 năm 2020-2021 với con số trên 1,2 triệu tỉ đồng dư nợ. Giai đoạn trước đó vào khoảng 2016-2019, thị trường trái phiếu DN vẫn rất nhỏ bé và khi đó nền kinh tế có GDP tăng trưởng cao, xuất khẩu tăng mạnh, lạm phát ổn định, cán cân thanh toán thặng dư và chỉ số tăng trưởng tín dụng/GDP ở mức ổn định. 

Dẫn chứng để thấy trái phiếu DN không phải là kênh huy động vốn duy nhất và quan trọng nhất, mà bên cạnh đó các DN vẫn có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác gồm vốn vay tín dụng, vốn huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Nếu khó khăn trong phát hành vốn trái phiếu, các DN vẫn có thể tìm tới những kênh huy động khác khi hoạt động sản xuất - kinh doanh lành mạnh, tài chính tốt, thị trường tiềm năng.

Bài toán hiện nay là giải quyết trái phiếu DN đối với thị trường bất động sản và một số ít tổ chức tín dụng. Hiện Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý những "trục trặc" từ thị trường trái phiếu DN, trong đó cần phải nhấn mạnh khó khăn nhất đến từ trái phiếu của DN bất động sản, chứ không phải DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu… 

Yêu cầu của Bộ Tài chính về việc "các DN - nhà phát hành phải có trách nhiệm một cách đầy đủ với các nhà đầu tư theo những gì mà DN đã cam kết" là cần thiết, bởi DN phát hành trái phiếu để huy động vốn, triển khai dự án, cũng là một trong những hoạt động kinh doanh. Nhà nước sẽ có phương án để kiểm soát, ổn định, giúp cho thị trường lành mạnh nhưng không thể "cứu" những DN làm sai trong phát hành trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu đã phát hành không đúng mục đích…

Để thị trường trái phiếu DN phát triển bền vững, bên cạnh việc cần những quy định chặt chẽ, còn cần phát triển thêm các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mở, quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ hưu trí... để nhà đầu tư cá nhân thông qua các quỹ này mua trái phiếu DN, thay vì mua trực tiếp từ DN phát hành như hiện tại. Nhà đầu tư cá nhân càng không nên đầu tư trái phiếu, thậm chí cổ phiếu trực tiếp như bây giờ mà nên thông qua các quỹ mở, quỹ đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ để kiểm soát dòng vốn an toàn, chuyên nghiệp hơn.

Riêng với thị trường chứng khoán, hiện chứng khoán đang tiếp tục giảm với nhiều cổ phiếu đã giảm 70%-80% từ đỉnh khiến nhiều nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý đều lo lắng. Trong quá khứ, có thời điểm chứng khoán rơi từ vùng 1.200 điểm về chỉ còn hơn 240 điểm nhưng sau đó vẫn tiếp tục tăng trở lại vì bản chất nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng tích cực. Thời điểm này, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tốt và ổn định, nhiều DN ở các lĩnh vực khác vẫn có triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới. Điều cần thiết hiện nay là sớm có các giải pháp khả thi để cân bằng, ổn định thị trường. Đó phải là những giải pháp nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và công khai cập nhật tiến độ triển khai để nhà đầu tư và thị trường theo dõi.