Kinh doanh “bết bát", Nam Group vẫn vay được hàng nghìn tỷ với tài sản đảm bảo “có như không”?

Không có doanh thu và thua lỗ triền miên nhiều năm trong khi vay nợ hàng trăm, thậm chí đến hàng nghìn tỷ với tài sản đảm bảo “có như không” là rủi ro lớn đối với các chủ nợ của Nam Group.
to-hop-do-thi-nghi-duong-va-the-thao-bien-thanh-long-bay-1656306147.jpg
Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay. Ảnh: Nam Group

Vay nợ với tài sản đảm bảo “có như không”

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc dự án Thanh Long Bay của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Group và nhiều dự án thuộc hệ sinh thái này đang bị cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra, theo dõi. Điều này khiến giới đầu tư càng quan tâm khi doanh nghiệp này vẫn đang vay nợ hàng nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng.

Nam Group được biết đến là một hệ sinh thái với 6 thành viên gồm Nam Land, Nam Khôi, Nam Mộc, NamCons, Hồng Phúc Land, Trung Sơn Bắc và hai công ty liên kết là Nam Trung và Nam Invest.

Tại Công ty TNHH Trung Sơn Bắc, chủ đầu tư dự án Thanh Long Bay, ông Lê Minh Trí cũng là người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên.

Ngoài ra, ông Lê Minh Trí còn là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hồng Phúc Land - chủ đầu tư dự án Wyndham Garden ở Phú Quốc.

Theo hồ sơ tài chính của Nam Group đang thế chấp phần vốn góp hơn 531 tỷ đồng tương ứng với 99% cổ phần của Công ty TNHH Trung Sơn Bắc tại 1 ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.

Ngày 28/03/2022, Nam Group tiếp tục thế chấp giá trị phần vốn góp hơn 483 tỷ đồng tương ứng với 90% của Công ty Cổ phần Trung Sơn Bắc tại ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.

Việc sử dụng cổ phần tại doanh nghiệp khác để thế chấp vay vốn không phải chuyện hiếm đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động này thường diễn ra với cổ phiếu của các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán để có nhiều cơ sở đinh giá hơn.

Việc Nam Group thế chấp cổ phần của 2 công ty con thậm chí còn chưa đại chúng với số vốn góp lên đến hơn 90% khiến giới đầu tư không khỏi nghi ngờ về tính “đảm bảo” của loại tài sản này.

Không có doanh thu và thua lỗ triền miên

Theo thông tin trên Cổng Đăng ký thông tin doanh nghiệp quốc gia, Nam Group tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Bất động sản M&T, được thành lập vào tháng 5/2015 có trụ sở tại 60 đường D1, khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM.

Đến năm 2016, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Anh và tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Group vào năm 2017.

Vốn điều lệ ban đầu của Nam Group là 8 tỷ đồng trong đó ông Lê Minh Trí góp 60% còn lại thuộc về bà Vũ Thị Như Mai.

Đến tháng 4/2016, bà Mai thoái toàn bộ vốn khỏi công ty.

Thời điểm đó, vốn điều lệ của Nam Group đã được nâng lên 50 tỷ đồng, trong đó ông Trí nắm giữ 95% cổ phần và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

2 cá nhân khác là ông Đỗ Duy Thoan và ông Lê Trung Tín lần lượt sở hữu 3% và 2% cổ phần còn lại.

Đến tháng 9/2018, Nam Group tiếp tục tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 100 lên 200 tỷ đồng. Cập nhật mới nhất vào tháng 4/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã lên đến 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 chỉ còn 456 tỷ đồng do thua lỗ triền miên.

5 năm gần nhất, Nam Group đều không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải gánh những khoản chi phí ngày càng lớn lên đến hàng chục tỷ đồng.

chi-tieu-tai-chinh-cua-nam-group-1656306211.png

Bước ngoặt đến từ năm 2018 khi tổng tài sản của doanh nghiệp này tăng vọt gấp hơn 13 lần lên hơn 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả cũng tăng đột biến từ mức 13 tỷ đồng lên gần 750 tỷ đồng. Quy mô tăng mạnh nhưng doanh nghiệp này vẫn không tạo ra bất cứ một đồng doanh thu nào và thậm chí còn gánh khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng, sâu hơn nhiều so với năm trước.

Sau đó, quy mô của Nam Group đã trồi sụt bất thường với tổng tài sản vào cuối năm 2020 chỉ còn 974 tỷ đồng, giảm 35% so với thời điểm 2 năm trước. Vốn chủ sở hữu đương nhiên cũng bị thu hẹp do các khoản lỗ. Sau một năm 2019 bớt lỗ đôi chút, khoản lỗ của Nam Group năm 2020 lại bị đào sâu lên gần 20 tỷ đồng.

Không loại trừ khả năng, nguyên nhân khiến Nam Group không đem về một đồng doanh thu nào thời gian qua là do các vướng mắc về pháp lý khiến các dự án chưa thể đi vào hoạt động.

Kinh doanh “bết bát” trong khi vay nợ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ với tài sản đảm bảo “có như không” là một rủi ro lớn đối với các chủ nợ của Nam Group.