Theo bài phân tích mới đây trên tờ Nikkei Asia về triển vọng kinh tế Đông Nam Á trong năm 2022, đa số các chuyên gia đều lạc quan rằng khu vực này sẽ sớm ổn định đà phục hồi nhờ sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu.
Ở một số nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Malaysia, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2021 đã tăng vọt 32% sau khi phá kỷ lục hồi tháng 10, chạm mốc 26,9 tỷ USD. Dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng diễn ra chủ yếu ở các sản phẩm điện, điện tử, dầu mỏ và hóa chất. Kim ngạch xuất khẩu của Singapore trong cùng kỳ cũng tăng 24,2%, mức tăng lớn nhất trong khoảng 1 thập kỷ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, trong năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Đông Nam Á sẽ tăng 5,1% , cao hơn rất nhiều so với ước tính hồi năm 2021 – thời điểm dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động.
Đà phục hồi này có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ thay vì kiên định giữ nguyên lãi suất như hồi năm ngoái. Động lực thay đổi cũng được cho là đến từ nỗi lo tiền mất giá sau quyết định dừng nới lỏng lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên sẽ diễn ra phần lớn trong nửa cuối năm 2022 tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Trong đó, ngân hàng trung ương Indonesia dự kiến sẽ thực hiện 4 lần tăng lãi suất, nâng từ mức 3,5% hiện nay lên 4,5% vào giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, chính phủ Singapore lại siết chặt chính sách kinh tế tương đối sớm và điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá từ ngay tháng 10/2021. Động thái này được cho là có thể lặp lại một lần nữa vào tháng 4 năm nay.
Dẫu vậy, kịch bản về chính sách tiền tệ và triển vọng tăng trưởng có thể sẽ thay đổi nếu tình hình dịch COVID-19 và đà lây lan của Omicron tiếp tục diễn biến phức tạp. Dù khu vực Đông Nam Á ghi nhận ít ca mắc biến thể mới, song việc thực thi các biện pháp hạn chế, chẳng hạn như tạm dừng các hoạt động du lịch, có thể sẽ tác động tiêu cực lên đà tăng trưởng GDP.
"Chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc biến thể Omicron, nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo tăng trưởng chậm hơn. Trong khi đó, biên bản cuộc họp của FED cho thấy tốc độ giảm dần chương trình mua tài sản sẽ nhanh hơn dự kiến. Ba yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn khu vực", ông Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế cấp cao nhận định.
Trước đó, tờ Nikkei Asia cũng đăng tải bài đánh giá của tác giả William Bratton về những rủi ro đối với kinh tế châu Á trong năm 2022. Ngoài 3 yếu tố kể trên, bài viết đề cập tới những tác động từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị của Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, ông Bratton vẫn lạc quan rằng châu Á đã có đủ nền tảng cơ bản để phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch, chẳng hạn như dự trữ ngoại hối được cải thiện, áp lực lạm phát giảm và báo cáo tài chính các doanh nghiệp cũng tốt hơn. Ngoài ra, giới chức các nước cũng có nhiều thể chế liên quan tới việc vận dụng chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng.
Theo: Nikkei Asia