Kon Plông (Kon Tum): Nhiều dự án đầu tư chậm trễ, chưa hiệu quả

Huyện Kon Plông là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2030. Kỳ vọng Kon Plông sẽ trở thành Khu du lịch sinh thái tầm quốc gia, nhưng đến nay nhiều dự án đang triển khai tại đây còn có thiếu sót.

Hiện trạng một dự án tại Kon Plông.

Có diện tích tự nhiên 138.116ha, khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ nhiệt độ chỉ dao động từ 16-20 độ C, với nhiều danh lam thắng cảnh, rừng có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên... Khu du lịch sinh thái Măng Đen, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của huyện Kon Plông được kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu của tuyến du lịch mang tên “Con đường xanh Tây Nguyên”.

Với lợi thế “trời cho” nên trong thời gian ngắn, Kon Plông đã thu hút được hàng chục dự án triển khai thực hiện. Thống kê đến cuối 2020, trên địa bàn huyện đã thu hút được 88 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đăng ký hơn 8.425ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó 52 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), đã được giao, cho thuê đất; 15 dự án đã được thông báo giới thiệu địa điểm đất, đang hoàn thiện các thủ tục để cấp GCNĐT.

Trong số 88 dự án, có các dự án được giới thiệu tầm cỡ như: Dự án quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Cty CP Dược liệu & Thực phẩm Măng Đen quy mô 1.350ha, tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án nông trại hữu cơ của Cty TNHH Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc quy mô 100ha, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Cty TNHH Kon Plông AGRI -TOURISM liên doanh với Úc tổng mức đầu tư 5 triệu USD…

Theo một Báo cáo của Huyện ủy Kon Plông gửi Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum ngày 12/10/2020, cho thấy tình hình các dự án triển khai trên địa bàn huyện này còn một số vấn đề. Ban Thường vụ Huyện ủy báo cáo đã rút ra được nhiều “bài học kinh nghiệm” từ việc kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Theo Huyện ủy Kon Plông, thời gian qua, tình trạng lựa chọn, thẩm định các dự án đầu tư còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao, nhiều dự án nhà đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện, triển khai chậm so với tiến độ đã cam kết, không đảm bảo về quy mô mục tiêu đầu tư, thậm chí có sự lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, sang nhượng dự án...

Đã xảy ra tình trạng mất rừng tại một số dự án tại Kon Plông.

Theo tìm hiểu của PV, một số dự án trên địa bàn huyện đăng ký hàng ngàn ha đất đã triển khai khi chưa hoàn thiện các thủ tục như phương án bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hợp đồng cho thuê đất, giấy phép xây dựng...

Tại Dự án xây dựng trang trại trồng cây ăn quả lâu năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà Đào Thị Hương, mới chỉ có Công văn cho chủ trương đầu tư và Thông báo giới thiệu địa điểm đầu tư nhưng nhà đầu tư đã trồng cây, đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà, làm đường nội bộ, làm nhà cho công nhân…

Hay ở dự án 10,5 ha trồng rau, hoa xứ lạnh và cây có giá trị kinh tế cao của ông Võ Quang Lương; mới có Thông báo thỏa thuận địa điểm nhưng đã trồng trọt trên hàng ngàn m2, đang chuẩn bị triển khai trồng trên nhiều ha và xây nhà cho công nhân…

Ở một số dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp tỉnh cũng có vi phạm. Theo một Kết luận Thanh tra của Bộ KH&ĐT mới đây, ở Dự án đầu tư khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim và trưng bày sản phẩm; cơ quan đăng ký đầu tư đã “quên” không ghi tiến độ góp vốn và huy động nguồn vốn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chưa ký quỹ nhưng UBND tỉnh, Sở TN&MT đã giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.