Dự án N04-T1 Khu Đoàn ngoại giao chậm giao sổ đỏ cho dân suốt nhiều năm liền.
Đây là dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmak.
Thượng đế bị “giam sổ” trái luật
Theo luật, trong vòng 50 ngày kể từ lúc giao nhà cho bên mua hoặc bên mua đã thanh toán đủ số tiền theo thỏa thuận thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho người mua.
Quy định là thế, nhưng nhiều hộ dân mua chung cư của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmak (sau đây gọi tắt là Lanmak - PV) suốt 10 năm trời mà vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ căn hộ số 1102, tầng 11, tòa N04-T1 là một ví dụ. Ngày 25/7/2011, ông Tuấn ký hợp đồng với Lanmak để mua căn hộ nêu trên với giá hơn 1,5 tỉ đồng.
Đến ngày 5/2/2016 Lanmak làm thủ tục bàn giao căn hộ cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Ông Tuấn tưởng rằng sau 50 ngày làm việc, gia đình mình sẽ nhận được sổ đỏ. Nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn đổ lỗi vòng vo và ông Tuấn cũng như nhiều hộ dân khác chưa thể có sổ đỏ.
Một trường hợp khác là gia đình bà Thiều Viên Chi, chủ căn hộ 705, tầng 7, tòa nhà N04-T1, Tổ hợp N04B, Khu Đoàn ngoại giao, Xuân Đỉnh. Bà Chi mua lại của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng và Thương mại tổng hợp. Hợp đồng mua bán được thực hiện từ tháng 1/2014, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ đỏ theo quy định.
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tòa N04-T1, nhiều gia đình đã mua nhà cách đây 10 năm, Lanmak bàn giao nhà từ năm 2016. Như vậy, chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho dân 5 năm. Trong khi đó, Lanmak đổ lỗi vòng vo về trách nhiệm liên quan làm sổ đỏ cho người dân là do các cơ quan chức năng liên quan của Hà Nội.
Mặc dù đã nhận bàn giao nhà từ năm 2016, nhưng gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Làm chủ đầu tư thứ cấp khi chưa có phép
Việc thực hiện Dự án Khu Đoàn ngoại giao có trách nhiệm của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP). HANCORP đã thỏa thuận cho Lanmak làm chủ đầu tư thứ cấp khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Cụ thể, năm 2006, UBND TP Hà Nội có Quyết định 415/QĐ-UBND cho phép Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) sử dụng 590.435m2 đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Đoàn ngoại giao.
Đến tháng 3/2010 và tháng 12/2011, HANCORP liên tiếp ký chuyển nhượng đất cho Lanmak. Đến năm 2020, UBND TP Hà Nội mới có văn bản công nhận Lanmak là nhà đầu tư thứ cấp của Khu Đoàn ngoại giao.
Khi bàn giao căn hộ và cho người dân vào ở, Lanmak cũng không thực hiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đã bị cơ quan chức năng lập biên bản sự việc.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Khách hàng phải đối mặt với rủi ro cực lớn.
Khi HANCORP chuyển nhượng cho Lanmak để trở thành nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng thì chưa đủ tính pháp lý để Lanmak bán nhà cho dân. Ngoài ra, việc chưa nghiệm thu PCCC đã cho dân vào ở là vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng, lợi ích của khách hàng.
Để làm rõ nguyên nhân việc chậm bàn giao sổ đỏ cho dân, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Lanmak qua điện thoại. Ông Tuấn cho biết đã trả lời báo chí. PV muốn biết thì đọc trên báo.
Trước đó, ông Trần Đức Tuấn trả lời báo chí cho rằng, nguyên nhân chậm sổ đỏ là do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa nhận hồ sơ mà Lanmak cung cấp.
Về việc này, luật sư Trần Tuấn Anh cảnh báo: Người dân trước khi mua nhà cần phải xem văn bản cho phép bán nhà của cơ quan chức năng cho chủ đầu tư. Cần phải xem mình đang mua hàng của công ty nào? Thông thường, các chủ đầu tư ban đầu của dự án sẽ ủy quyền hoặc nhượng lại cho công ty thành viên hoặc nhà đầu tư thứ cấp nào đó để bán.
Sau đó, công ty được ủy quyền hoặc nhà đầu tư thứ cấp thay đổi pháp nhân, cổ đông nhiều lần, thậm chí giải thể nên người dân sẽ không biết kiện ai.