Kỳ lạ 'cụm công nghiệp' không phép tồn tại hàng chục năm

Không được cấp phép, nhưng hơn 4 hecta đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lại được xây dựng thành nhà xưởng, kho bãi, biến thành "cụm công nghiệp" Lại Dụ hoạt động hàng chục năm qua...

Nhà xưởng, kho bãi trong "cụm công nghiệp" Lại Dụ nằm ngay dưới đường lưới điện cao thế. Nhà xưởng, kho bãi trong "cụm công nghiệp" Lại Dụ nằm ngay dưới đường lưới điện cao thế.

Hình thành và đi vào hoạt động từ những năm 1993, nhưng tới nay đã gần 30 năm trôi qua, khu nhà xưởng sản xuất với tên thường gọi Cụm công nghiệp Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) vẫn chưa được cấp phép, không quy hoạch thành cụm công nghiệp chính quy.

Hay nói cách khác “cụm công nghiệp” Lại Dụ xây dựng trái phép và tồn tại trên đất nông nghiệp vũng bãi từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Khảo sát thực tế cho thấy, “cụm công nghiệp” Lại Dụ nằm trên khu vực đất bãi trồng cây hàng năm, sát ngay con sông Đáy, với gần 40 nhà xưởng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gia công hàng hóa, kho bãi… rộng hàng nghìn m2.

Tất cả những công trình kể trên đều được xây dựng kiên cố bê tông cốt thép. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng, kho bãi tại đây thường dao động 30 - 40.000 đồng/m2.

 

Đây là khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy và được quy hoạch thành vùng đất bãi trồng cây nông nghiệp hàng năm. Nhưng trên thực tế, khu vực hành lang thoát lũ này gần như đã được bê tông hóa toàn bộ.

Đường nhựa trải thảm nối dài tới đâu, nhà xưởng, kho tập kết được người dân xây dựng đến đó. Khắp khu đất bãi ven sông Đáy giờ nhộn nhịp, ồn ã tiếng xe tải ra vào vận chuyển hàng hóa. Tiếng máy móc sản xuất, tiếng nhân công lao động… như bao khu công nghiệp, cụm công nghiệp được cấp phép hoạt động khác.

Lối vào "cụm công nghiệp" Lại Dụ. Lối vào "cụm công nghiệp" Lại Dụ.

Trong khi đó theo nhiều người dân sinh sống tại thôn Lại Dụ (xã An Thượng), thời gian từ đầu năm 2021 cho tới nay, tình trạng xây dựng trái phép tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ diễn ra nhiều và công khai hơn.

 

Nhà xưởng, kho bãi tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ đều xây dựng không phép và cách trụ sở UBND xã An Thượng không xa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những hoạt động sản xuất rầm rộ là vậy vẫn ngang nhiên diễn ra trong suốt một thời gian dài, qua hàng chục năm, mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Được biết, hiện diện tích xây dựng trái phép mà “cụm công nghiệp” Lại Dụ vi phạm trên đất nông nghiệp vùng bãi đã chiếm tới hơn 4 hecta.

Vi phạm hành lang an toàn đê điều và lưới điện

 

Ở một hướng khác, thông tin mua bán, cho thuê kho xưởng tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ được đăng tải tràn ngập trên những trang mạng xã hội.

Đơn cử, trên trang alonhadat.com.vn có đăng tải nội dung “Cho thuê kho xưởng tại cụm công Nghiệp Lại Dụ (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội), diện tích 760 m2, kho cao 8m, có điện 3 pha, WC, nước sạch… kho xưởng nằm trong cụm công nghiệp rất tiện đường đi cho xe cont, cách Đại lộ Thăng Long 5km, cách Thiên đường Bảo Sơn 4 km, rất thuận tiện cho sản xuất. Kho hàng giá cho thuê 30 triệu đồng/tháng. Ký hợp đồng dài hạn, thanh toán linh động. Thông tin liên hệ Hà Văn Dũng…”.

 Nhà xưởng, kho bãi xây dựng trên đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy. Nhà xưởng, kho bãi xây dựng trên đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy.

Còn trên trang batdongsan.com.vn, nội dung được đăng tải như sau:

“Chúng tôi cần cho thuê mặt bằng 1000m2 tại cụm công nghiệp Lại Dụ, An Thượng Hoài Đức. Diện tích 1000m2 dựng khung zami cao 10m2, đúng theo tiêu chuẩn sản xuất khu công nghiệp, công 40 fit đỗ cửa, điện 3 pha công suất lớn sản xuất các loại đều được.

Kho cách Đại Lộ Thăng Long 3 km giao thông thuận tiện. Kho xưởng cho thuê lâu dài, phù hợp làm kho hàng xưởng sản xuất... Giá cho thuê 45 triệu/tháng. Liên hệ xem kho xưởng miễn phí…”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Duy Giang, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho hay: Hiện chưa có chủ trương quy hoạch hay chuyển đổi mục đích sử dụng tại khu vực đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy kể trên.

“Cụm công nghiệp” Lại Dụ hình thành trên cơ chế tự phát của người dân xã An Thượng. Thực trạng tồn tại của “cụm công nghiệp” Lại Dụ trên vùng đất bãi ven sông Đáy sẽ liên quan trực tiếp tới hành lang an toàn đê điều và lưới điện.

Các cơ sở sản xuất mọc lên san sát nhau. Các cơ sở sản xuất mọc lên san sát nhau.

Ông Giang khẳng định “cụm công nghiệp” Lại Dụ vi phạm hành lang thoát lũ theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.

Trước đó, năm năm 2016, UBND xã An Thượng từng ra thông báo cưỡng chế toàn bộ hệ thống nhà xưởng, kho bãi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nằm bên bờ con sông Đáy này. Tuy nhiên vẫn theo ông Giang, thì kết quả của lần cưỡng chế năm 2016 không đạt kết quả.

Sở Nông nghiệp và PTNT nhiều lần gửi văn bản đề nghị kiểm tra xử lý

Cũng liên quan tới thực trạng vi phạm trật tự xây dựng “cụm công nghiệp” Lại Dụ tại khu vực đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy nêu trên, ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho rằng: đây là những tồn tại từ trước năm 2016 và hiện rất khó để xử lý những vi phạm kể trên một cách triệt để. Và 6 năm qua gần như không có các cơ sở sản xuất được xây mới.

Ông Tâm cũng khẳng định, sự tồn tại của “cụm công nghiệp” Lại Dụ có ảnh hưởng trực tiếp đến hành lang an toàn đê điều và lưới điện.

Các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Còn ông Phạm Quang Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) thì khẳng định, theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg, phần bãi sông trong phạm vi 500 m bao gồm hai bên bãi và lòng sông không được xây dựng mới nhà cửa, công trình.

Như vậy “cụm công nghiệp” Lại Dụ mà PV Báo Đại Đoàn Kết phản ánh nằm trong chỉ giới hành lang thoát lũ và vi phạm Quyết định 1821.

Trước thực trạng trên, phía Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức của huyện, UBND xã “khẩn trương tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng công trình nhà xưởng, kho bãi… tại khu vực bãi sông Đáy và trong hành lang thoát lũ sông Đáy".

Vậy nhưng những vi phạm tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ vẫn tiếp diễn, không hề được xử lý.

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vùng bãi, vi phạm đến hành lang an toàn đê điều, lưới điện, nhưng lạ lùng là hàng chục năm qua “cụm công nghiệp” Lại Dụ vẫn được cấp điện, cấp nước để hoạt động… như những cụm công nghiệp chính quy, được cấp phép.

Chưa hết, hệ lụy từ “cụm công nghiệp” Lại Dụ hoạt động không phép là gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đời sống dân sinh…