Kỳ lân công nghệ VNG liên tục thua lỗ

Dù được đánh giá là kỳ lân công nghệ, trong 3 năm gần đây Công ty cổ phần VNG liên tục chứng kiến tình trạng thua lỗ.
ceo-cua-cong-ty-co-phan-vng-1673856849.jpg

Ông Lê Hồng Minh - CEO của Công ty cổ phần VNG. Ảnh: VNG

"Ghế nóng" đổi chủ 

Theo thông tin công bố ngày 10.1.2023, Công ty cổ phần VNG (mã VNZ) đã thay Chủ tịch HĐQT từ ngày 1.1.2023, chỉ trước thời điểm chào sàn ít ngày. Theo đó, ông Võ Sỹ Nhân đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Hồng Minh bị miễn nhiệm. Quyết định đã có hiệu lực từ 1.1.2023 nhưng phải hơn một tuần sau đó thông tin mới đến được với các nhà đầu tư.

Quyết định này của HĐQT VNG gây ra bất ngờ khi chỉ trước đó không lâu VNG đã thay đổi một loạt nhân sự cấp cao tại đại hội cổ đông bất thường vào cuối năm 2022 khi VNG chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn. Tại thời điểm này, 3 thành viên HĐQT gồm ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won và ông Vũ Việt Sơn bị miễn nhiệm. Đồng thời, VNG cũng bổ sung ngay 4 thành viên vào hội đồng quản trị là bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu trên UPCoM, thời điểm ngày 28.11.2022, HĐQT của VNG gồm 6 người, trong đó Lê Hồng Minh là Chủ tịch, ông Vương Quang Khải là thành viên, còn lại các thành viên khác là bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Nguyễn Lê Quốc Anh đều là thành viên độc lập HĐQT.

Như vậy, tân Chủ tịch HĐQT Võ Sỹ Nhân nằm trong số 4 thành viên HĐQT độc lập mới được bầu bổ sung khi đó.

Cổ phiếu "đóng băng" ở mức cao

Sau khi được niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán và có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 5.1.2023 với giá chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu vừa qua nhưng đáng chú ý là cả phiên chào sàn và cho tới nay vẫn chưa có giao dịch nào thành công khi không có người bán ra. Phiên giao dịch 11.1.2023, vẫn có nhà đầu tư đặt mua với giá trên tham chiếu và thậm chí có một lượng cổ phiếu được đặt mua ở giá trần 336.000 đồng song vẫn không có ai bán ra.

Rất nhiều nhà đầu tư đã đưa ra các giả thiết về hiện tượng này như không ai bán ra do kỳ vọng vào triển vọng của cổ phiếu VNZ trong tương lai, hoặc có người cho rằng cổ phiếu này quá cô đặc và số lượng cổ đông ít nên khả năng kiểm soát đối với cổ phiếu cũng tốt hơn các mã chứng khoán khác.

Trong khi đó, theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu trên UPCoM vào ngày 5.1.2023, tại thời điểm VNG được chấp thuận là công ty đại chúng theo Công văn số 80/CQĐD-NV ngày 29.1.2011, số lượng cổ đông chỉ là 112 cổ đông, trong đó có 107 cổ đông nắm giữ 20% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại ngày chốt danh sách cổ đông để đăng ký UPCoM 28.11.2022, số lượng cổ đông được nâng lên 373 với tổng số cổ phần 35.844.262 cổ phần, trong đó chỉ có một nhà đầu tư nước ngoài (tổ chức) sở hữu trọn 49% vốn của VNG (17.563.688 cổ phần, tương đương 61% cổ phần có quyền biểu quyết). Hiện VNG vẫn sở hữu hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm tỉ lệ 19,93% vốn, tương đương 24,74% cổ phần có quyền biểu quyết).

Bản cáo bạch niêm yết của VNG cũng thông tin về 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn tại ngày 28.11.2022 là: VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ (tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành); Công ty cổ phần công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ (tương đương 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ (12,3% số cổ phiếu đang lưu hành). Ba cổ đông lớn này nắm giữ tổng cộng 79,1% số cổ phiếu đang lưu hành của VNG.

Đáng chú ý theo báo cáo của VNG về kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất, lỗ sau thuế cổ đông không kiểm soát năm 2020 là 261,8 tỉ đồng, năm 2021 lỗ 485 tỉ đồng và 9 tháng 2022 lỗ 345,2 tỉ đồng.