Lai Châu xin xây dựng sân bay nghìn tỉ

Lai Châu - UBND tỉnh vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay nội địa công suất 0,5 triệu hành khách/năm theo hình thức PPP.

Sáng 13.7, trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo tỉnh Lai Châu xác nhận, địa phương vừa có đề xuất gửi các cơ quan chức năng xin xây dựng sân bay trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Địa phương này cũng xin được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Cảng hàng không Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23.02.2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên.

Hiện tại, Bộ GTVT đã có Tờ trình 13833 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại Tờ trình, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét với các chỉ tiêu định hướng đến giai đoạn 2030, công suất thiết kế của sân bay Lai Châu dự kiến 0,5 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09ha. Ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỉ đồng.

Sân bay Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018. Cụ thể, đến năm 2030, Lai Châu là sân bay dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách mỗi năm; diện tích đất 167 ha, tại thị trấn Tân Uyên.

Hiện vùng miền núi Tây Bắc có một sân bay Điện Biên. Theo đề xuất quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2030 khu vực này có 4 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La).

Lai Châu là tỉnh miền núi có 265 km đường biên giới giáp Trung Quốc, chưa có đường không và đường thủy, chỉ có đường bộ nối với miền xuôi là quốc lộ 32. Tuyến đường này hay sạt lở vào mùa mưa lũ, gây chia cắt nhiều khu vực.