Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục tăng trong quý III và cả năm 2022. Trong đó, các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% và tăng 11,5% trong năm 2022.
Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh
Chị Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, 2 năm dịch bệnh, lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng giảm mạnh, chị rút phần tiền nhàn rỗi không dùng đến gửi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, cũng thu về được khoản lợi kha khá. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường chứng khoán đang lao dốc, trong khi lãi suất tiền gửi lại tăng, nên chị quyết định gửi vào ngân hàng.
“Năm ngoái, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng chỉ 5,8%/năm thì hiện tại đã tăng lên 6,5%/năm. Vì vậy, tôi quyết định gửi tiền vào ngân hàng chờ các kênh đầu tư khác ổn định trở lại sẽ đầu tư”, chị Linh nói.
Trong khi đó, chị Tuyết (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, việc mua bán cổ phiếu với nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm như chị tại thời điểm này quá nhiều rủi ro. Vì vậy, chị quyết định chọn kênh an toàn nhất là gửi tiền vào ngân hàng. “Bạn bè tôi cũng đang có xu hướng quay trở lại với kênh tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư mới", chị Tuyết cho hay.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2022, huy động vốn của các TCTD tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%).
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố về tiền gửi thanh toán cá nhân tại thời điểm hết tháng 4/2022, tiền gửi của dân cư vào các TCTD vượt mốc 5 triệu tỷ đồng, tăng 58.000 tỷ đồng so với hồi cuối tháng 3, lên mức 5,532 triệu tỷ đồng.
Đáng lưu ý, số tiền gửi của dân cư tại các TCTD liên tục tăng kể từ tháng 12/2021 đến nay đã tăng hơn 230.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư đã chảy mạnh trở lại vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng không có "sóng", thị trường chứng khoán liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay và bất động sản cũng trầm lắng…
Lãi suất huy động “dậy sóng”
Về phía ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cũng liên tục nhích lên và xu hướng này vẫn chưa dừng lại do áp lực của lạm phát. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021.
Mức lãi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB (7,55% kỳ hạn 18 tháng trở lên), gửi theo hình thức trực tuyến.
Một số nhà băng quy mô nhỏ như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.
Giới chuyên gia cho rằng, lý do tiền gửi tăng mạnh phần nào đến từ việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sau 2 năm giữ ở mức thấp.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tại một số ngân hàng tăng từ 0,3 - 0,6%/năm.
"Áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, lãi suất huy động cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 - 2%/năm trong cả năm 2022", VCBS dự báo.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “tiền mặt là vua”, ai giữ càng nhiều tiền mặt càng có lợi thế và gửi tiết kiệm là một lựa chọn tốt. Thị trường chứng khoán sẽ lình xình đi ngang và tích lũy từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa thể nóng trở lại do bị siết tín dụng, siết trái phiếu doanh nghiệp, nguy cơ bị đánh thuế căn nhà thứ hai...