Ảnh minh họa.
Thị trường 2 dậy sóng
Trong tuần đầu tiên của tháng 9, lãi suất liên NH đã có những diễn biến bất ngờ. Từ ngày 1 đến 8-9, lãi suất liên NH các kỳ hạn chủ chốt bật tăng mạnh. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng 1,48% lên mức 5,9%/năm, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,98% lên 6,09%/năm và kỳ hạn 2 tuần tăng 1,63% lên 6,72%/năm. Đáng chú ý, trong ngày 7-9 lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng vọt lên 6,88%/năm (mức cao nhất kể từ tháng 9-2012).
Cũng trong tuần này, doanh số giao dịch trên thị trường liên NH (thị trường 2) bằng VNĐ đạt xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng, bình quân 239.412 tỷ đồng/ngày, tăng 71.788 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VNĐ đạt khoảng 220.216 tỷ đồng, bình quân 44.043 tỷ đồng/ngày, tăng 11.084 tỷ đồng/ngày so với tuần liền trước. Số liệu của NHNN cho thấy nhu cầu vay mượn trên thị trường liên NH tăng rất mạnh.
Đà tăng mạnh của lãi suất liên NH bắt đầu trước kỳ nghỉ lễ 2-9. Được biết NHNN đã phải bán ra hơn 3 tỷ USD trong tháng 8, gián tiếp hút hơn 70.000 tỷ đồng khỏi hệ thống trong suốt tháng. Cùng lúc, NHNN đã hút ròng khoảng 5.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, hợp đồng repo trên thị trường mở (OMO). Điều này lý giải cho diễn biến của mặt bằng lãi suất liên NH ở tuần đầu tiên của tháng 9, rõ ràng thanh khoản hệ thống đã rơi vào thế căng thẳng khi NHNN hút ròng.
So với các năm trước, lãi suất liên NH sau kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay không đi theo xu hướng hàng năm. Lãi suất liên NH quá nóng, NHNN buộc phải hạ nhiệt bằng cách bơm ròng với khối lượng lớn trên thị trường mở trong tuần đầu tiên của tháng 9. Cụ thể, thông qua kênh OMO, NHNN bơm ròng tổng cộng 58.152 tỷ đồng. Riêng trong ngày 7-9, khi lãi suất liên NH lập đỉnh 10 năm, NHNN đã quyết định tăng mạnh giá bán USD từ 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD, đồng thời mở rộng quy mô bơm tiền qua kênh OMO gần 28.000 tỷ đồng.
Ghi nhận vào ngày 13-9, lãi suất liên NH đã giảm so với tuần liền trước đó. Lãi suất qua đêm về mức 4,2%/năm, 1 tuần 4,43%/năm, 2 tuần 4,61%/năm, 1 tháng 4,82%/năm, 3 tháng 6,18%/năm, 6 tháng 7,16%/năm. Tuy nhiên, mức này vẫn rất cao so với cuối năm 2021. Dẫu vậy NHNN cũng khó kéo lãi suất liên NH bằng VNĐ xuống như trước đây, thông qua việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào cho hệ thống khi vẫn đặt mục tiêu ổn định tỷ giá lên hàng đầu.
Các động thái gần đây cho thấy, NHNN đang nỗ lực duy trì chênh lệch dương giữ lãi suất USD và VNĐ trên thị trường liên NH để hỗ trợ tỷ giá VNĐ/USD. Thế nên, lãi suất liên NH nhiều khả năng sẽ duy trì mức cao trong những tháng tới.
Thị trường 1 không ngừng tăng lãi suất
Trong khi sức nóng của lãi suất trên thị trường 2 mới xuất hiện trong thời gian gần đây, thì sức nóng của lãi suất trên thị trường tổ chức và dân cư (thị trường 1) đã âm ỉ suốt nhiều tháng qua. Từ tháng 6, sự mất cân đối trong tăng trưởng giữa tín dụng và tiền gửi đã xuất hiện, thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các nhà băng tiệm cận gần mức trần quy định 85%. Xét về tốc độ tăng trưởng, tại ngày 30-6 tín dụng tăng 9,35%, huy động tăng 4,51%; ngày 26-7, tín dụng tăng 9,42%, huy động giảm xuống 4,21%.
Số liệu mới từ NHNN tại ngày 26-8, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91% và tăng trưởng huy động vốn đạt 4,51% so với đầu năm. Con số cho thấy, huy động vốn của các nhà băng vẫn rất ì ạch, dù chênh lệch tăng trưởng huy động - cho vay đã kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục nhích lên qua từng tháng.
Hiện tại, NHNN đã thực hiện điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với một số NH. Dù hạn mức mới thấp hơn kỳ vọng của các NH, song trong lúc thanh khoản hệ thống đang căng thẳng, việc trở lại cấp tín dụng cho nền kinh tế sẽ càng làm tăng áp lực lên thanh khoản hệ thống trong những tháng sắp tới.
Đồng thời, tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn hiện tại áp dụng ở mức 37%, nhưng từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 30-9-2023 giảm còn 34%. Thời hạn này đã cận kề, các NH lại tiếp tục tăng lãi suất trên thị trường 1.
Trong tuần đầu tháng 9, Sacombank áp dụng biểu lãi suất mới, tăng 0,2% đối với tiền gửi tại quầy, lên mức 5,4%/năm kỳ hạn 6 tháng và 6%/năm kỳ hạn 12 tháng. Đồng thời, NH tăng 0,2% đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Theo đó, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng lên mức 7%/năm. Nhà băng này cũng đang có gói tiết kiệm áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,2%/năm kỳ hạn 36 tháng áp dụng từ đầu tháng 7 cho khách hàng thỏa điều kiện gửi tiền tiết kiệm và tham gia bảo hiểm nhân thọ Daiichi life tại Sacombank. VietCapital Bank cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 24 tháng thêm 0,3% lên mức 7,3%/năm, kỳ hạn 6-12 tháng tăng thêm 0,2%/năm trong khoảng 6,6-7,1%/năm…
NH không tăng lãi suất huy động trong các tháng trước là VietinBank, cuối tháng 8 đã công bố cộng thêm 0,4%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 5 tỷ đồng và 0,5%/năm đối với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1-12 tháng trên VietinBank iPay.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức 6-6,1%/năm. Cũng trên kênh này, NH cộng thêm 0,4% lãi suất so với gửi tại quầy đối với các kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng không phân biệt số tiền gửi, đưa lãi suất ở các kỳ hạn này lên 6%/năm. Với lần tăng này, VietinBank trở thành NH có lãi suất huy động cao nhất trong các nhóm Big 4.
Trên mặt bằng chung, ABBank đang giữ mức lãi suất huy động cao nhất thị trường với 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay của NH. Một số NH khác cũng có lãi suất cao trên 7% như SCB (7,55%/năm), Kienlongbank (7,3%/năm), Techcombank (7,1%/năm)...
Trong báo cáo vĩ mô tháng 8-2022, CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, mức lãi suất huy động hiện tại đã quay trở lại mặt bằng của tháng 11-2020. Trong thời gian tới, trước áp lực từ tỷ giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng.
Lãi suất huy động leo dốc vì thanh khoản căng thẳng, kéo lãi suất cho vay tăng theo - là câu chuyện nóng trong những tháng cuối năm.