Lạm phát hạ nhiệt nhưng nợ công của Mỹ đang “phình” to

Mặc dù lạm phát của Mỹ đang trong xu thế giảm nhưng nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới đang gia tăng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 năm nay.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 vừa qua tiếp tục giảm. Cụ thể, lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới trong tháng đầu tiên của năm nay ở mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 6,5% của tháng liền trước và là tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ, kể từ khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.

Mặc dù lạm phát của Mỹ đang trong xu thế giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 2,1% của 3 năm trước đại dịch COVID-19, và hiện nay vấn đề kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên số 1 trong chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ.

lam-phat-1676857535.jpg Áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ vẫn còn hiện hữu. (Ảnh minh họa: KT)

Lạm phát là một trong những yếu tố quan trọng gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất cơ bản hơn nữa và duy trì lãi suất ở mức đó cho đến cuối năm.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết “quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu”, song “quá trình này có thể sẽ mất khá nhiều thời gian”.

FED đã mạnh tay tăng lãi suất cơ bản trong năm vừa qua lên mức cao nhất trong 15 năm nhằm kiểm soát lạm phát đang gia tăng. Mục tiêu của FED là giảm tốc độ vay và chi tiêu, hạ nhiệt tốc độ tuyển dụng và giảm bớt áp lực mà nhiều doanh nghiệp cảm thấy phải tăng lương để tìm hoặc giữ chân người lao động.

fed-1676857731.jpg Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: KT)

Mặc dù giá hàng hóa trên toàn nền kinh tế đã giảm, nhưng chi phí dịch vụ, bao gồm cả nhà ở, vẫn ở mức cao. Chi phí thuê nhà tăng trở lại vào tháng 1, tăng 0,7% và cao hơn 8,6% so với một năm trước. Theo tính toán của Eric Winograd, nhà kinh tế học tại AllianceBernstein, chi phí nhà ở chiếm 2,75 điểm phần trăm trong mức tăng lạm phát 6,4% hàng năm.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 4% vào cuối năm nay. Nhưng nó có thể ổn định tại thời điểm đó miễn là việc tuyển dụng và tăng lương vẫn còn mạnh mẽ. Khi đó, FED có thể buộc phải giữ lãi suất vay ở mức cao cho đến năm 2024, hoặc thậm chí tăng thêm trong năm nay.

Cảnh báo nguy cơ vỡ nợ

Dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) vừa được công bố cho thấy lãi suất tăng và các hóa đơn chi tiêu của lưỡng đảng đang làm tăng thêm thâm hụt.

CBO nhận định, trong thập kỷ tới, các khoản thu thuế sẽ không theo kịp với chi phí phúc lợi an sinh xã hội ngày càng tăng ở Mỹ. Gần 19 nghìn tỷ USD có thể sẽ thêm vào “gánh nặng” nợ quốc gia trong thập kỷ tới, nhiều hơn 3 nghìn tỷ USD so với dự báo trước đây, do chi phí gia tăng cho các khoản thanh toán lãi suất, chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh, trợ cấp cho người về hưu và quân đội.

no-cong-my-1676857788.jpg Nợ công của Mỹ đang gia tăng.

Khoảng cách giữa chi tiêu của chính phủ và các khoản thu thuế được dự báo sẽ lên đến 1,4 nghìn tỷ USD trong năm nay. Trong vòng 10 năm tới, mức thâm hụt sẽ trung bình là 2 nghìn tỷ USD mỗi năm do các khoản thu thuế không theo kịp với chi phí gia tăng của phúc lợi an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sắp nghỉ hưu.

Tổng số nợ công ước tính sẽ bằng tổng sản lượng hàng năm của nền kinh tế Mỹ vào năm 2024, và con số này có thể tăng lên 118% vào năm 2033.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 năm nay nếu các nghị sĩ không thể giải quyết những bất đồng liên quan đến kế hoạch chi tiêu ngân sách và nâng trần nợ công.

Tháng 1 vừa qua, nợ công của Mỹ chính thức chạm trần 31,4 nghìn tỷ USD, khiến Bộ Tài chính nước này bắt đầu phải áp dụng "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo "các biện pháp đặc biệt" sẽ chỉ kéo dài đến tháng 6 tới. Khi đó, chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ, buộc phải cắt giảm ngân sách chính phủ liên bang và có khả năng khiến đất nước rơi vào suy thoái.

Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thay đổi lộ trình tài khóa của quốc gia, điều này có thể đến từ việc tăng thuế, cắt giảm chi tiêu hoặc cả hai.

Giám đốc Văn phòng Ngân sách, ông Phillip L. Swagel cho rằng, về lâu dài, cần phải thực hiện những thay đổi trong chính sách tài khóa để giải quyết chi phí lãi vay ngày càng tăng và giảm thiểu những hậu quả bất lợi khác của nợ cao và gia tăng.

CBO cũng cho rằng, chiến dịch kiềm chế lạm phát cao của FED bằng cách tăng nhanh và mạnh lãi suất sẽ làm tăng chi phí vay liên bang trong những năm tới. FED đã tăng lãi suất lên khoảng 4,5% đến 4,75% từ mức gần 0% một năm trước và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng chi phí vay trong vài tháng tới.

Ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson cho biết, nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương trước vòng luẩn quẩn trả lãi suất cao hơn, đòi hỏi phải vay nhiều hơn, nợ và lãi ngày càng nhiều hơn./.