Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm nay các quốc gia trên thế giới phải đối mặt áp lực lạm phát lớn. Tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi lạm phát được dự báo bình quân là 9,9% trong năm nay. Còn ở các nước phát triển, con số này là 7,2%.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, IMF đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát của mình - thêm 3,3 điểm phần trăm đối với các nước phát triển và 4 điểm phần trăm với các nước đang phát triển.
Kể cả trước khi chiến tranh ở Ukraine gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và thực phẩm, dự báo về lạm phát đã ở mức tương đối cao bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đã ở trạng thái căng thẳng. Nhu cầu hàng hóa tăng lên sau khi kết thúc các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 đã khiến lạm phát tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ sau Đại suy thoái những năm 2008-2009.
Theo các nhà phân tích, với các nền kinh tế đang phát triển đang trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, lạm phát tại đây nhìn chung cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lạm phát không ảnh hưởng nặng nề tới các nước phi công nghiệp nếu điều này xảy ra giữa lúc nền kinh tế của họ đang gặp khó khăn.
Với những quốc gia đang trải qua xung đột, biến động hoặc gặp các vấn đề kinh tế lớn, lạm phát năm nay được dự báo sẽ ở mức cao hơn nhiều so với bình quân 8,8% toàn cầu. Các nước này bao gồm Venezuela, Sudan, Zimbabwe, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
95 quốc gia - gồm cả nước phát triển và đang phát triển - được dự báo sẽ có mức lạm phát từ 5-10%. Trong khi đó, khoảng 80 nước được dự báo có lạm phát ở mức 5% trở xuống và Việt Nam năm trong nhóm này. IMF dự báo lạm phát của Việt Nam là 3,7% trong năm 2022 và tăng lên 3,9% vào năm sau. Từ năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống khoảng 3,5%.