Lạm phát tăng cao tại Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phân hóa |
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981. Kịch bản tiếp theo là Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuộc họp cuối tháng 7 nhằm kiềm chế lạm phát.
Thực tế cho thấy, ngay từ khi lạm phát có dấu hiệu tăng, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 20% từ tháng 4 đến nay, song trong phiên ngày 13/7, ngay sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tiếp tục tăng, diễn biến thị trường Mỹ giảm điểm nhưng thu hẹp về cuối phiên.
Với TTCK trong nước, phiên hôm qua (14/7) có diễn biến tương tự khi đầu phiên phản ứng tiêu cực, cuối phiên thì tích cực trở lại, chốt ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 7. Dòng tiền vào tốt ở khá nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó tiêu điểm là nhóm chứng khoán.
Theo thống kê của chứng khoán Yuanta, lịch sử từ năm 1900 đến nay có 10 trường hợp Dow Jones giảm trên 10%, xác suất cao là 68% chỉ số Dow Jones tăng hồi phục trong 6 tháng cuối năm. Năm 2022, Dow Jones đã giảm hơn 20% từ tháng 4, nếu theo lịch sử, xác suất cao sẽ có kịch bản chỉ số Dow Jones sẽ tăng trong nửa cuối năm, với mức tăng là 4,45% và trung bình là 7%.
Như vậy, rất có thể kỳ vọng rằng kịch bản tích cực đối với TTCK Việt Nam khi nhìn từ năm 2013 tới nay, định giá P/E có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên.
“Kỳ vọng 6 tháng cuối năm vẫn tin tưởng tích cực, nhưng thanh khoản sẽ không cao như năm 2021. Đồng thời, tình trạng phân hóa sẽ xảy ra chứ không phải tăng đồng loạt ở các nhóm cổ phiếu”, ông Minh nói.
Chia sẻ cá nhân, Phó Giáo sư Quách Mạnh Hào nhận xét, giai đoạn cuối năm 2008 cho đến giữa năm 2009, thị trường Việt Nam không có tin tức gì. Thời điểm đó, giới đầu tư thức đêm theo dõi và sáng ngủ dậy là hỏi Dow Jones thế nào. Và thị trường chứng khoán Việt tạo đáy vào tháng 3/2009. Khoảng một tháng nay, giới đầu tư Việt Nam lại chăm chú theo dõi thị trường Mỹ.
“Việc tăng lãi suất của Fed có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó thị trường cận biên và mới nổi cũng không nằm ngoài khả năng này. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới TTCK, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam nhận xét. |