Liên tục nợ thuế, Tập đoàn Tân Mai xin chuyển hơn 118 ha đất rừng làm dự án khu dân cư

Tập đoàn Tân Mai đề nghị chỉnh quy hoạch 118ha đất rừng sản xuất để lập dự án đầu tư khu dân cư và thương mại dịch vụ tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 482 báo cáo UBND tỉnh này về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại huyện Lâm Hà.

Công ty Tân Mai được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1463/QĐ-UBND ngày 07/7/2014 về việc thu hồi đất và cho Công ty Tân Mai thuê đất để trồng rừng nguyên liệu giấy tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Qua rà soát, thì diện tích đất thuê tại quyết định trên chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư.

Công ty được Sở Tài nguyên – Môi trường thừa ủy quyền của UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào năm 2017 trên diện tích 118,41 ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 272, 273A thuộc thị trấn Đinh Văn.

Liên tục nợ thuế, Tập đoàn Tân Mai xin chuyển hơn 118 ha đất rừng làm dự án khu dân cư

Tân Mai Group có 2 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai. Dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, với chi phí xây dựng dở dang ghi nhận đến tháng 9/2019 là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy phép đầu tư do dự án chậm tiến độ.

Tương tự, Dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng (Cụm Công nghiệp Đạ Oai, Lâm Đồng), tháng 1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai dự án.

Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm tới tháng 4/2064. Công ty cũng đồng thời được cấp quyền sở hữu rừng (rừng trồng thông ba lá) trên phần diện tích đất thuê này.

Ngày 23/8/2021, Công ty Tân Mai có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại vị trí khu vực đất đã được cấp trên sang đất ở để lập dự án đầu tư khu dân cư và thương mại dịch vụ.

Qua rà soát về quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên – Môi trường xác định theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Lâm Hà đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2019 thì diện tích khu đất xin điều chỉnh thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất.

Về quy hoạch chung thị trấn Đinh Văn, theo bản đồ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2021 thì diện tích khu đất xin điều chỉnh thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, về quy hoạch 3 loại rừng thì diện tích khu đất xin điều chỉnh cũng thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Theo Sở TNMT, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Lâm Hà nói riêng đã hết hiệu lực, do đó đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Công ty Tân Mai là không có cơ sở xem xét.

Việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, hiện nay UBND tỉnh đang giao UBND huyện Lâm Hà lập và trình thẩm định theo quy định, đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai chủ động liên hệ với UBND huyện Lâm Hà để được xem xét khi lập quy hoạch.

Theo tìm hiểu, Tân Mai Group tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hóa năm 2006. Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Giấy Tân Mai và Công ty CP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng.

Tháng 12/2019, đại gia Lê Thành đã mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, tương đương tỷ lệ sử hữu 61,47% trở thành cổ đông lớn. Tháng 1/2020, ông Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Mai Group nhiệm kỳ 2020-2024.

Ngoài cá nhân sở hữu cổ phần chi phối là ông Lê Thành, Tân Mai Group còn có cổ phần của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (giữ 22,73% cổ phần), Nhà xuất bản Giáo dục (giữ 8,1% cổ phần), cổ đông khác nắm 7,43% cổ phần.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành liên tục nợ thuế ở Đồng Nai.

Công ty Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta.

Theo đó, công ty này đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương. Tuy nhiên, việc trồng rừng và khai thác lâm nghiệp của công ty cũng gặp nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp của vị đại gia sinh năm 1974 cũng thực hiện hợp tác đầu tư khai thác lâm nghiệp và các dự án bất động sản dựa trên quỹ đất “khủng” mà công ty sở hữu tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều chưa nên hình hài hoặc dưới dạng góp vốn với doanh nghiệp khác.

Vào giai đoạn 2016-2017, Tập đoàn Tân Mai góp 3 khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông từng là nhà máy tại Đồng Nai và Bình Dương để lập các doanh nghiệp bất động sản, sau đó chuyển nhượng lại cho chính các cổ đông trong liên danh.

Điểm chung tại phần lớn dự án này là việc Tân Mai Group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành liên tục nợ thuế ở Đồng Nai.

Tân Mai Group đã được xướng tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, năm 2019, đơn vị này nợ khoảng 32 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng, tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng.

Trong đó, thời điểm nợ thuế nhiều nhất là tháng 6/2018, với 77,18 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hóa đơn để thu thuế từ năm 2015 tới nay. Theo Cục Thuế Đồng Nai tính đến ngày 31/1/2021, Tập đoàn này nợ thuế 30,2 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong danh sách. Sau đó, cơ quan thuế đã ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp này.

Trong danh sách của Cục Thuế Đồng Nai tháng 6/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai với số tiền nợ thuế 35,9 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp liên tục bị "bêu tên" trong danh sách đen vì nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, Tập đoàn Tân Mai cũng đang "xin" tỉnh Đồng Nai cho chuyển đổi khu đất của nhà máy giấy thành dự án bất động sản. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành bắt buộc khu đất nhà máy muốn chuyển sang làm dự án nhà ở phải thông qua đấu thầu hoặc đấu giá để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Trường hợp chỉ định chủ đầu tư phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.