Việc biến thể Omicron vượt qua biến thể Delta là điều đã được khẳng định trong thực tế và biến thể Delta không thể "trỗi dậy" mạnh mẽ nữa thậm chí cả khi biến thể Omicron đã lây lan ra toàn bộ dân số. Tại nhiều quốc gia, biến thể Omicron hiện chiếm khoảng 99% hoặc hơn trong tổng số ca lây nhiễm, theo phân tích của Trevor Bedford, một nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle.
Bedford và các cộng sự của mình đã theo dõi trình tự gen được thu thập từ các bệnh nhân mắc Covid-19 và phát hiện ra rằng, biến thể Omicron bắt đầu vượt qua biến thể Delta vào giữa tới cuối tháng 12/2021. Thậm chí tại những quốc gia ghi nhận ít ca nhiễm biến thể Omicron hơn thì biến thể này cũng chiếm tới từ 80% trở lên số ca mắc.
Ảnh minh họa: Getty
Khi biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng cả hai biến thể sẽ cùng lưu hành. Rõ ràng biến thể Omicron có thể "lan như cháy rừng" nhưng hiện chưa rõ liệu điều này là do bản thân khả năng lây nhiễm của nó cao hơn Delta hay do biến thể Omicron thoát khỏi hệ miễn dịch để lây lan cho những người đã tiêm vaccine và từng mắc Covid-19 - những đối tượng trước đó biến thể Delta không nhắm tới. Trên thực tế, Omicron không chỉ thoát khỏi hệ miễn dịch mà nó còn có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta từ 2 - 3 lần. Đó chính là những lý do giải thích cho sự "thống trị" của biến thể này trên thế giới.
"Nếu so sánh một cách trực tiếp thì chúng ta sẽ thấy biến thể Omicron giành chiến thắng. Số người nhiễm biến thể Omicron sẽ nhiều hơn số người nhiễm biến thể Delta, vì thế, biến thể Delta sẽ dần biến mất và Omicron chiếm ưu thế", bác sĩ Shiv Pillai, giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Harvard nhận định.
Nhìn chung, biến thể Omicron ít gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Điều đó tức là việc Omicron chiếm ưu thế có thể ít gây tử vong hơn so với Delta. Những làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron có lẽ sẽ cung cấp phần nào sự bảo vệ trước những biến thể trong tương lai và đưa chúng ta đến gần hơn điểm kết thúc của đại dịch, một chuyên gia nhận định với Live Science.
Miễn dịch chéo
Omicron đã có hàng chục thay đổi trong protein của nó so với biến thể Delta. Protein này là chìa khóa để virus xâm nhập vào các tế bào và cũng là mục tiêu mà các kháng thể được tạo ra nhờ vaccine Covid-19 đang nhắm tới.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu một người mắc Covid-19 trước đó hoặc đã được tiêm vaccine, hệ miễn dịch của họ sẽ không sản sinh ra các kháng thể đối phó hiệu quả cao với biến thể Omicron. Thay vào đó, những kháng thể của họ chủ yếu nhắm tới cấu trúc protein gai của chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu (vốn tương đồng với Delta nhiều hơn là Omicron). Tuy nhiên, có nhiều amino acid có hình dạng chung giữa 2 protein gai này, chuyên gia Pillai đánh giá. Vì thế, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có phản ứng miễn dịch chéo ở một mức độ nào đó.
Một nghiên cứu nhỏ từ Nam Phi cho thấy phản ứng miễn dịch chéo thực sự đã xảy ra. Nghiên cứu trên đã xem xét các phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine và chưa tiêm vaccine nhiễm biến thể Omicron. Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là nhà nghiên cứu Alex Sigal thuộc Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban, đã xem xét 8 trường hợp chưa tiêm vaccine và 7 trường hợp đã tiêm vaccine là những ca đột phá. 3 bệnh nhân đã tiêm vaccine từng nhận được 2 mũi vaccine Pfizer, 3 người nhận được 1 mũi vaccine Johnson&Johnson và 1 người nhận được 2 mũi vaccine Johnson&Johnson.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ các bệnh nhân khoảng 4 ngày trong thời gian mắc bệnh và một lần nữa vào 2 tuần sau đó. Sau đó, họ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trước những mẫu máu này và kiểm tra các kháng thể trung hòa. Những kháng thể này đã bám vào virus và ngăn cản chúng xâm nhập vào các tế bào.
So với các mẫu máu được lấy ban đầu, mẫu máu được lấy sau 2 tuần cho thấy các kháng thể tăng 14,4 lần khả năng trung hòa biến thể Omicron trong môi trường phòng thí nghiệm. Việc vô hiệu hóa biến thể Delta cũng tăng lên 4,4 lần. Điều đó tức là những trường hợp từng nhiễm biến thể Omicron cũng có thể tăng cường khả năng chống lại biến thể Delta.
Nhà nghiên cứu Pillai cho rằng kết quả này không phải quá bất ngờ. Khi phơi nhiễm trước virus SARS-CoV-2, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể có thể nhận dạng một số phần khác biệt của protein gai. Một số hình dạng này ở cả biến thể Omicron và biến thể Delta đều tương tự nhau nên một vài kháng thể chống lại Omicron cũng có thể chống lại Delta.
Điều này cũng tương tự như cơ chế hoạt động của mũi vaccine tăng cường, chuyên gia này cho biết thêm. Việc tiêm mũi tăng cường đẩy số lượng kháng thể lên mức rất cao và một phần trong vô số biến thể này là các kháng thể phản ứng chéo. Chúng bám vào cả biến thể Omicron và biến thể Delta và nếu lượng kháng thể đủ cao, chúng sẽ ngăn chặn sự lây nhiễm thậm chí cả khi nhiều kháng thể do vaccine tạo ra ban đầu không phải chủ ý nhắm vào Omicron.
Động lực lây nhiễm của Omicron
Việc biến thể Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ hơn là một "viên đạn bạc" giúp biến thể này chiếm ưu thế. Đối với con người, việc nhiễm biến thể Omicron có thể sẽ ít nguy hiểm hơn so với biến thể Delta (đặc biệt là những người đã tiêm vaccine). Tuy nhiên, số ca đột phá nhiễm biến thể Omicron cao hơn so với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta có thể khiến một vài tuần tới trở nên khó khăn bởi nhiều người mắc bệnh cùng lúc sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế tương tự như những gì từng xảy ra với biến thể Delta hoặc thậm chí tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, trong những tháng tới, làn sóng biến thể Omicron sẽ giúp nhiều người có hệ miễn dịch mới trước dịch Covid-19, trong đó có hệ miễn dịch phản ứng chéo có thể bảo vệ họ trước những hậu quả nghiêm trọng nếu một biến thể nữa xuất hiện.
Dù vậy, nghiên cứu ở Nam Phi đã nhấn mạnh tại sao cái gọi là miễn dịch tự nhiên trước biến thể Omicron không đủ để bảo vệ mọi người trước việc tái nhiễm hoặc nhiễm các biến thể mới. Nghiên cứu trên cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước biến thể Omicron xuất hiện ở những người từng tiêm vaccine trước đó trong khi những người chưa tiêm vaccine có mức độ miễn dịch khác nhau - trong đó có những người mà sự lây nhiễm tạo những kháng thể mạnh nhưng cũng có những người có mức độ kháng thể yếu hơn. Các kháng thể trung hòa sinh ra sau khi từng mắc bệnh cũng yếu dần qua thời gian, tương tự như các kháng thể trung hòa sinh ra sau khi tiêm vaccine.
Cuối cùng, chuyên gia Pillai nhận định, việc kết hợp tiêm vaccine và sự lây lan của biến thể Omicron có thể giúp thế giới thoát khỏi tình trạng đại dịch để chuyển sang trạng thái bệnh đặc hữu, tức là hầu hết mọi người đã có hệ miễn dịch trước Covid-19 và trong số các ca mắc gia tăng, có ít số ca nhập viện, các ca bệnh nặng và ca tử vong hơn.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch suy giảm có thể đồng nghĩa với việc một số người vẫn dễ tổn thương trước virus nếu họ chưa tiêm mũi vaccine tăng cường hoặc cách lần mắc bệnh trước đó một khoảng thời gian quá xa. Ngoài ra cũng có khả năng một biến thể có thể thoát khỏi hệ miễn dịch nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện. Trong tương lai, chuyên gia Pillai cho rằng các loại thuốc chống virus có thể sẽ đóng vai trò quan trọng để làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch Covid-19./.