Golden City của đại gia địa ốc Hồ Văn Giang gánh lỗ lũy kế trăm tỷ

Được xem là doanh nghiệp địa ốc hàng đầu của tỉnh Nghệ An, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Golden City lại rất thất vọng với khoản lỗ lũy kế hơn 140 tỷ đồng, tính đến hết năm 2019.

Golden City của đại gia địa ốc Hồ Văn Giang gánh lỗ lũy kế trăm tỷ

Dự án khu resort Golden City tại Quảng Bình của Công ty Cổ phần Golden City

Công ty Cổ phần Golden City (phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), có tiền thân là Công ty Cổ phần Gold Đất Việt, được thành lập từ năm 2007. Buổi ban sơ (2008 – 2009), công ty tập trung vào lĩnh vực khai thác mỏ. Đến năm 2010, công ty chuyển sang kinh doanh bất động sản và lập thêm chi nhánh tại Nghệ An.

Đây là tiền đề để năm 2015, công ty chuyển hẳn trụ sở chính về thành phố Vinh (Nghệ An) và trở thành một “đại gia” địa ốc của tỉnh này. Tính đến hiện tại, Golden City có 13 dự án khu đô thị, khu dân cư trong địa bàn thành phố Vinh, chưa kể các dự án tại những tỉnh/thành khác.

Ngoài làm nhà ở, Golden City cũng là nhà phát triển các dự án nghỉ dưỡng mà nổi bật là dự án "Khu resort Golden City" (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) – một dự án tai tiếng về thời gian “om” đất, từng đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Sự hình thành và Golden City gắn liền với tên tuổi của ông Hồ Văn Giang, người đại diện theo pháp luật, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Tài liệu của VietnamFinance cho thấy tính đến hết năm 2019, ông Giang nắm 80% cổ phần của công ty này. Còn trước tháng 7/2018, ông Giang duy trì sở hữu gần 90%, trong khi đó ông Bùi Minh Tuấn – một cộng sự đắc lực (sẽ nói ở phần sau), nắm 10%.

Là nhà phát triển bất động sản, Golden City có tốc độ tăng trưởng về doanh thu khá tốt trong giai đoạn 2016 – 2019, cụ thể: năm 2016 đạt 75 tỷ đồng, năm 2017 tăng gần gấp đôi lên 146 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục tăng thêm 57% lên 229 tỷ đồng, trước khi sụt xuống còn 197 tỷ đồng vào năm 2019.

Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại không có được sự tăng trưởng tốt như vậy. Trồi sụt và thậm chí là lỗ đậm mới là diễn biến chính của lợi nhuận công ty. Cụ thể, năm 2016, Golden City lỗ sau thuế 24 tỷ đồng; năm 2017 mới gượng dậy được một chút với khoản lãi 2,8 tỷ đồng thì năm 2018 đã tái lỗ 1,6 tỷ đồng.

Năm 2019, do kinh doanh dưới giá vốn, Golden City ghi nhận khoản lỗ gộp 18 tỷ đồng. Trong bối cảnh không thể cải thiện các chi phí, lại đón nhận thêm khoản lỗ khác lên tới 75,7 tỷ đồng, Golden City báo lỗ sau thuế tới 109,7 tỷ đồng, một kết quả vô cùng tệ hại.

Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của công ty tăng đều (ngoại trừ năm 2019 sụt giảm), từ 664 tỷ đồng lên 1.085 tỷ đồng, tương đương tăng 63%. Chất lượng tài sản không có điều đáng lo khi các khoản phải thu và hàng tồn kho duy trì ở mức thấp.

Điều đáng chú ý hơn cả nằm ở nợ phải trả khi đột ngột tăng vọt từ 14,3 tỷ đồng (năm 2017) lên 349 tỷ đồng (năm 2018) trước khi sụt giảm xuống 258 tỷ đồng (năm 2019). Trên thực tế, đây là các khoản vay dài hạn của Golden City với giá trị lần lượt là 340,6 tỷ đồng (năm 2018) và 249,4 tỷ đồng (năm 2019).

Về vốn chủ sở hữu, ghi nhận cho thấy trong 3 năm 2017 – 2019, Golden City liên tục tăng vốn góp, từ 763,7 tỷ đồng lên 929,5 tỷ đồng rồi 966,9 tỷ đồng. Thế nhưng vốn chủ sở hữu lại trồi sụt trong cùng giai đoạn, lần lượt là: 734,9 tỷ đồng, 899 tỷ đồng và 826,7 tỷ đồng. Điều này là do công ty đang gánh lỗ lũy kế.

Ghi nhận cho thấy khoản lỗ lũy kế của Golden City ngày càng phình to ra: từ -28,8 tỷ đồng (năm 2017), tăng lên -30,4 tỷ đồng (năm 2018) và vọt lên -140,2 tỷ đồng (năm 2019).

Đồng sự có khá hơn?

Như trên đã nói, sự phát triển của Golden City ngoài vai trò của ông Hồ Văn Giang còn có dấu ấn của ông Bùi Minh Tuấn.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy ngoài vị trí ở Golden City, ông Tuấn còn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Á với tỷ lệ sở hữu lên tới 95%. Trước đó, Đầu tư Nam Á còn có sự góp mặt của 2 cổ đông: Kiều Nguyệt Vân Thu và Nguyễn Thị Thúy Vinh (đều đã thoái vốn).

Đầu tư Nam Á là một cái tên không nổi bật, doanh thu thuần vào các năm 2017 và 2019 chỉ “lẹt đẹt” 444 triệu đồng và 561 triệu đồng. Lãi sau thuế còn “thảm” hơn khi liên tục là số âm: -336 triệu đồng (năm 2016), -395 triệu đồng (năm 2017), -1,27 tỷ đồng (năm 2018) và -1,9 tỷ đồng (năm 2019).

Tổng tài sản của Đầu tư Nam Á đi lùi trong giai đoạn 2016 – 2019, từ 18,4 tỷ đồng xuống 11,7 tỷ đồng, hầu hết được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu. Nợ phải trả không đáng kể trong giai đoạn trước, chỉ “kịp tăng” ở giai đoạn 2018 – 2019 với giá trị lần lượt là 131 triệu đồng và 460 triệu đồng…