Liên tục phải đối diện với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, từ đại dịch Covid-19 gây ra suy thoái và đứt gãy chuỗi cung ứng nặng nề cho tới bất ổn địa chính trị và lạm phát chi phí đẩy, câu chuyện lựa chọn chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào trở thành bài toán nan giải với các quốc gia.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi rủi ro vẫn còn rất khó lường, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa cao, chính sách tiền tệ không phát huy được nhiều tác dụng. Do đó, Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa tương đối mạnh để duy trì nền kinh tế, có thể kể đến như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ năm 2020, chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp năm 202…
Mức giải ngân vốn đầu tư công đạt mức kỷ lục vào năm 2020 cũng là điểm nhấn quan trọng của chính sách tài khóa trong giai đoạn 2020 - 2021. Theo các chuyên gia, nhờ vào việc giải ngân những gói đầu tư công còn tồn đọng từ các năm trước, mức giải ngân đầu tư công năm 2020 tăng cao, giúp Việt Nam đi đúng chu kỳ tài khóa và giữ được tăng trưởng dương.
Sang đến năm 2022, nguy cơ kép đặt ra cho nền kinh tế khi vừa mới bước ra từ giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, lại phải đối diện với nguy cơ lạm phát do giá cả nguyên vật liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng tăng cao.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), đến cuối năm 2021, vị thế tài khóa của Việt Nam được duy trì tương đối tốt, với tỷ lệ nợ công chỉ hơn 43% GDP. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục dựa nhiều vào chính sách tài khóa để hóa giải nguy cơ năm 2022.
Cụ thể, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 – 2023 được ban hành đầu năm 2022 (Nghị quyết 11/NQ-CP), chính sách tài khóa có quy mô hơn 290 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 83% tổng gói hỗ trợ, bao gồm miễn giảm thuế, phí, tiền thu đất; chi đầu tư phát triển; hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay hỗ trợ đối với học sinh sinh viên, người lao động…
Ông Thành nhận định, đây là lựa chọn tương đối đúng đắn do chính sách tài khóa không gây nhiều áp lực lên lạm phát, lại có dư địa lớn. Cũng nhờ thực hiện nới tài khóa mạnh tay, Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đánh giá, chính sách tài khóa năm 2022 được thực hiện cũng “chưa từng có tiền lệ” và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đó là việc hỗ trợ giảm thuế giúp cho nền vĩ mô được duy trì ổn định, các khoản hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động giúp ổn định tình hình kinh tế, xã hội.
Thách thức với chính sách tài khóa
Đánh giá cao chính sách tài khóa 8 tháng đầu năm, tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra một số thiếu sót. Đó là một số chính sách được triển khai chưa thực sự hiệu quả. Trong đó đặc biệt phải kể đến gói hỗ trợ tiền thuê nhà chưa đạt được kỳ vọng, tính đến tháng 8 mới giải ngân được 1,3% dù trước đó được Thủ tướng Chính phủ đặt chỉ tiêu phải hoàn tất trong tháng 8.
Giải ngân đầu tư phát triển chậm cũng là một thực trạng đáng lưu ý. Theo ông Cường, số liệu tính đến hết tháng 8 cho thấy tổng mức giải ngân chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 40% dự toán, trong đó nhiều hạng mục vẫn chưa được giải ngân.
Có thể nói, tuy khá thành công trong năm 2022 nhưng những thiếu sót của chính sách tài khóa sẽ gây ra thách thức lớn đối với điều hành vĩ mô giai đoạn 2023 – 2025, đặc biệt khi chính sách vĩ mô toàn cầu vẫn diễn biến khó lường, bất ổn địa chính trị vẫn chưa dừng lại, có thể ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành chính sách của Việt Nam.
Trước thực tế này, vị chuyên gia tài chính đưa ra 5 đề xuất cho chính sách tài khóa trong giai đoạn tới.
Thứ nhất là duy trì nguyên tắc “lường thu mà chi” trong thiết lập dự toán, song song với đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công. Theo ông Cường, việc dự toán thu chi vẫn quan trọng nhưng nếu dự toán thận trọng quá sẽ dẫn đến tự hạn chế dư địa tài khóa.
Thứ hai, kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm cần có thay đổi sao cho phù hợp với bối cảnh biến động khó lường trong giai đoạn 2023 – 2025. Chính sách tài khóa trong giai đoạn này có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các vấn đề đào tạo lao động, đảm bảo quyền lợi, phúc lợi lao động…
Thứ ba là điều chỉnh lại cơ cấu thu, chi, tuy nhiên cần có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, vấn đề cắt giảm chi thường xuyên một cách máy móc đã gây tác động nặng nề, làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu biên chế cho y tế và giáo dục ở các địa phương, vốn là những hàng hóa công rất thiết yếu.
Cùng với đó là điều chỉnh lại các gói hỗ trợ theo hướng đơn giản và dễ thực hiện. Một kinh nghiệm được ông Cường đúc kết từ thực tiễn là những chính sách đơn giản, dễ thực hiện và thực hiện trực tiếp thì lại có hiệu quả cao, do đó các điều chỉnh cần đi theo phương châm này.
Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay, có thể chấp nhận bội chi và tăng vay nợ để có thêm không gian tài khóa hóa giải thách thức kép. Việc Moody nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam vừa qua là một cơ hội để huy động vốn lãi suất thấp, cần được tận dụng.
Cuối cùng, chính sách tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ sao cho phù hợp nhất với tình hình, điều kiện thực tế.
Riêng với câu chuyện đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm, bao gồm cả những yếu tố khách quan như giá cả nguyên vật liệu tăng cao và yếu tố chủ quan như định mức đơn giá kỹ thuật vẫn còn lạc hậu.
Về vấn đề giá nguyên vật liệu tăng cao, theo ông Thanh, Ủy ban kinh tế Quốc hội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo về sự biến động giá nguyên vật liệu, từ đó tìm ra giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng biến động giá tới tiến độ thi công các dự án. Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng đề nghị các địa phương công bố định mức đơn giá hàng tháng thay vì 3 tháng một lần và sẽ đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành đơn giá, định mức kỹ thuật cho những lĩnh vực chưa có.
Đối với những nguyên nhân mang tính chủ quan, ông Thanh nhấn mạnh, những vướng mắc này có trách nhiệm không nhỏ thuộc về các đơn vị tư vấn, giám sát cũng như nhà thầu và chủ đầu tư.
Hiện tại, vấn đề giải ngân vốn đầu tư đang rất nóng và nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, đây là bài học để tiếp tục triển khai những công trình trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn từ nay đến năm 2026.