Lỗ giảm, kiểm toán vẫn nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines

Tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của Tổng Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.858 tỷ đồng...

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP - Vietnam Airlines (mã HVN-HOSE) công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được soát xét bởi Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam.

Theo đó, trong báo cáo này, Deloitte Việt Nam lưu ý, tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của Tổng Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.858 tỷ đồng.

Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Tổng công ty có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế với số tiền là 5.237 tỷ đồng.

Bên kiểm toán cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Tổng công ty vẫn áp dụng tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 theo hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2021 và 2020. Tại ngày báo cáo này, Tổng Công ty đã trình các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục được áp dụng hướng dẫn kế toán riêng cho các khoản mục này cho nắm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và đang chờ phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, HVN cho biết lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận lỗ 4.657 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lỗ 5.237 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ (-8.622 tỷ đồng đồng) là do tổng doanh thu và thu nhập khác 06 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ tăng mạnh 119% so với 06 tháng đầu năm 2021 (tăng hon 11.472,7 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 124,9 %, tương đương tăng hơn 11.450,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 118,6%, doanh thu quốc tế tăng 829,7%) so với cùng kỳ do thị trường phục hồi mạnh sau khi Chính Phủ thực hiện chính sách mở cửa.

Tổng chi phí 06 tháng đầu năm 2022 của Công ty Mẹ tăng 49% tương đương tăng 8.475,1 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính (chi chênh lệch tỷ giá) tăng. Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của 06 tháng đầu năm 2022 tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty Mẹ giảm lỗ được hơn 2.997,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lỗ sau thuế hợp nhất 06 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags... đều kinh doanh có lãi.

Cũng theo HVN thì theo BCTC bán niên 2022 đã kiểm soát xét thì lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 đều giảm tới 39% so với cùng kỳ năm trước và đang trong lộ trình giảm (lỗ quý sau giảm so với lỗ quý trước). Đây là kết quả bước đầu khả quan sau khi Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh covid và cải thiện kết quả SXKD và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga- Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong Quý 2 và 06 tháng đầu năm 2022 và theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của Tổng công ty cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào nửa cuối năm 2022 và năm 2023.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022 Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ 03 giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất bao gồm:

Một là, giải pháp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hàng không là thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Hai là, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiển và cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.