"Lỡ hẹn" thanh toán lô trái phiếu 150 tỷ đồng, năng lực tài chính của Công ty Việt Vương ra sao?

Tại Báo cáo tài chính năm 2021, CTCP Việt Vương nhận định có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Vương đã không thể trả tiền gốc trái phiếu cho nhà đầu tư khi đến hạn.

Từ năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng nhanh và đang dần trở thàh kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây trái phiếu doanh nghiệp đã và đang bộc lộ nhiều rủi ro hơn cho nhà đầu tư và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

CTCP Việt Vương không trả nợ trái phiếu đúng hạn

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu năm 2018, các doanh nghiệp chỉ phát hành 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thì năm 2019 phát hành đạt 312 nghìn tỷ đồng còn năm 2020 tăng lên đến 436 nghìn tỷ đồng và năm 2021 phát hành tăng vọt lên tới 722,7 nghìn tỷ đồng

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành.

Theo SSI, đến năm 2021 có khoảng 1,39 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành, góp phần đẩy quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp từ mức tương đương 68% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021.

Và như vậy, năm 2022 là năm có hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu được đáo hạn và để xử lý khối lượng lớn này đối với doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng.

ctcp-viet-vuong-da-khong-the-thanh-toan-ten-goc-trai-phieu-cho-nha-dau-tu-khi-den-han-1662950987.jpgCTCP Việt Vương đã không thể thanh toán tến gốc trái phiếu cho nhà đầu tư khi đến hạn.

Đơn cử, ngày 11/8/2022, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS) đã ra thông báo với nội dung gần đây VietinBank Securities đã tiếp nhận nhiều thông tin từ các nhà đầu tư về việc mặc dù đến hạn thanh toán nhưng vẫn chưa nhận được khoản thanh toán tiền gốc trái phiếu mã VVCCH2122001 do CTCP Việt Vương phát hành. 

Theo đó, CTCP Việt Vương đã phát hành lô trái phiếu riêng lẻ trên vào ngày 3/8/2021, đáo hạn ngày 3/8/2022. Lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng với kỳ hạn là 12 tháng, lãi suất 11%/năm. Tài sản đảm bảo 1 là 75% cổ phần của CTCP Việt Vương, tài sản đảm bảo 2 là  02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ thuộc sở hữu của ông Lê Phượng Hoàng. 

Mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của CTCP Việt Vương. Theo công bố, lô trái phiếu này được bán cho 33 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh mặc dù đã quá hạn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nhận được tiền gốc thanh toán trái phiếu do CTCP Việt Vương phát hành. 

Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng cho biết thêm, việc thực hiện thế chấp tài sản đảm bảo 2 là 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ thuộc sở hữu của ông Lê Phượng Hoàng cũng có những dấu hiệu "bất thường".

Trong thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ trên, VietinBank Securities đóng vai trò là tổ chức cung cấp các dịch vụ gồm tư vấn phát hành trái phiếu, đại lý phát hành trái phiếu, đại lý đăng ký, lưu ký và đại lý thanh toán trái phiếu, đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho đợt phát hành trái phiếu của CTCP Việt Vương. 

Bức tranh tài chính của Việt Vương khá "ảm đạm"

Theo thông tin PV Tài chính Doanh nghiệp tìm hiểu được, CTCP Việt Vương hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2600355706 lần đầu ngày 27/7/2006. CTCP Việt Vương hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo mạ kẽm nhúng nóng các loại trụ, cột thép,... Doanh nghiệp này có địa chỉ tại KCN Thuỵ Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vốn điều lệ đăng ký là 385 tỷ đồng. 

buc-tranh-tai-chinh-1662951045.jpg

Tại Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán của CTCP Việt Vương cho thấy, năm 2021, doanh thu của Việt Vương đạt 1.781 tỷ đồng, giảm 126 tỷ đồng, tương ứng giảm 6,6% so với năm 2020 (1.907 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế là 0,754 tỷ đồng, giảm 11,942 tỷ đồng tương ứng với 94% so với năm trước (12,696 tỷ đồng). Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) giảm từ 0,67% năm 2020 xuống còn 0,04% vào năm 2021.

Nguyên nhân của biên lợi nhuận sau thuế giảm là do tỷ lệ giá vốn trên doanh thu tăng lên từ 92,53% vào năm 2020 lên 93.13% vào năm 2021 một phần được xác định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công ty thực hiện hoàn thành được ít các hợp đồng hơn dẫn tới doanh thu giảm, bên cạnh đó, giá thép năm 2021 biến động tăng góp phần tăng giá vốn hàng bán.

Hiệu quả sử dụng vốn năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 là 0,15% còn thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1-3 tháng mà công ty đang gửi (từ 2,3%/năm đến 3,2%/năm). Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) năm 2021 là 0,04% thấp hơn nhiều so với lãi suất mà công ty đang đi vay. Công ty càng đi vay thì ROA càng giảm. Việc CTCP Việt Vương đi vay nhằm mục đích xoay vòng vốn để trả các khoản nợ hơn là để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, các chỉ số tại báo cáo tài chính năm 2021 cũng phản ánh khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/ nợ phải trả) của công ty tại ngày 31/12/2021 là 1,38 đã giảm so với thời điểm 01/01/2021. Trong đó hệ số khả năng thanh toán nhanh (tài sản ngắn hạn - hàng tồn kho/ nợ ngắn hạn) của công ty thấp do tỷ lệ hàng tồn kho trên tài sản ngắn hạn khá cao chiếm 50%.

Doanh thu năm 2021 của CTCP Việt Vương giảm so với năm 2020 tuy nhiên giá trị hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn của khách hàng lại tăng lên lần lượt là 15% và 18% dẫn đến ảnh hưởng khả năng thanh toán của công ty. Vòng quay phải thu khách hàng giảm chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn giảm đi do vốn bị chiếm dụng nhiều. Vòng quay hàng tồn kho giảm xuống cho thấy tốc độ luân chuyển hàng tồn kho chậm, tồn đọng hàng tồn kho dẫn tới hiệu quả kinh tế giảm xuống.  

Bên cạnh đó, năm 2021 lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của Việt Vương âm 199 tỷ đồng, Công ty bù đắp dòng tiền này bằng cách tăng các khoản vay ngắn hạn dẫn tới áp lực trả nợ trong năm 2022 tăng lên. Nếu công ty không có các biện pháp thu hồi công nợ phải thu khách hàng cũng như đẩy nhanh tiền độ hoàn thành hợp đồng và giải phóng hàng tồn kho thì năm 2022 sẽ là năm khó khăn cho Việt Vương trong việc cân đối các dòng tiền để thanh toán các khoản công nợ.