Loạt đại gia tung nghìn tỷ gom cổ phiếu giá rẻ, gia tăng quyền lực

Dòng tiền đổ vào bắt đáy nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh thời cơ hiếm có xuất hiện khi giá nhiều mã xuống mức thấp hơn trước đợt tăng bùng nổ 2 năm qua. Doanh nghiệp Việt được kỳ vọng ngược dòng thế giới.

CTCP Chứng khoán VIX (VIX) vừa có thông báo đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu Tập đoàn Gelex (GEX) trong khoảng thời gian từ 24/6 đến 22/7 và nếu thành công sẽ tăng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 1,76% vốn Gelex.

Chứng khoán VIX là tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. Ông Tuấn hiện sở hữu 14,84% vốn VIX. Chị gái ông Tuấn - bà Nguyễn Thị Tuyết (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Chứng khoán VIX) đang nắm giữ 202,2 triệu cổ phiếu VIX, tương ứng tỷ lệ 23,75% vốn.

Trước giao dịch, VIX và các đối tượng liên quan sở hữu 341,7 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 40,13% vốn. Nếu mua thành công, tỷ lệ của nhóm sẽ lên 41,89% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Bà Nguyễn Bích Hà, con gái ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Gelex cũng đã đăng ký mua 850.000 cổ phiếu GEX trong khoảng thời gian từ 23/6 đến 22/7 và nếu thành công sẽ tăng sở hữu lên 0,124% vốn. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Gelex giảm từ từ đỉnh cao gần 50.000 đồng/cp xuống 17.200 đồng/cp hôm 21/6.

Sau quyết định mua vào của các nhà đầu tư có liên quan tới lãnh đạo doanh nghiệp, cổ phiếu VIX và GEX đều tăng trần trở lại. Nhiều người đánh cược vào khả năng nhiều doanh nghiệp Việt có thể ngược dòng thế giới và có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm khó khăn 2022.

Theo kế hoạch, Gelex có doanh thu 36 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận tăng 27,3% so với thực hiện trong năm 2021.

Hồi tháng 5, ông Nguyễn Văn Tuấn đã mua thành công 10 triệu cổ phiếu GEX, trị giá khoảng 220 tỷ đồng. Cổ phiếu GEX sau đó vẫn tiếp tục giảm thêm khoảng 20%.

Gần đây, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và người liên quan đăng ký đổ hàng trăm tỷ đồng để mua vào cổ phiếu khi giá lao dốc. Thị trường chứng khoán chung mất khoảng 23%, nhiều mã mất 50-80% giá.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC) đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HBC theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 23/6 đến 22/7. Ông Hải có thể chi ra hơn 170 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, ông Hải sẽ nâng lượng cổ phiếu sở hữu tại công ty từ 38,91 triệu đến 48,91 triệu cổ phiếu, tương đương 19,91% vốn điều lệ.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cũng vừa đăng ký mua vào 300.000 cổ phiếu LPB. Sau giao dịch, ông Huy sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng lên 430.854 đơn vị, tương đương 0,03% vốn điều lệ.

Ông Dương Công Đoàn, anh ruột ông Dương Công Toàn, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đăng ký mua tới 10 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 0,8% vốn nhà băng.

Ông Nguyễn Khánh Hưng - chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư LDG (LDG) mới đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu LDG, từ ngày 22/6 đến 21/7 và sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại LDG lên từ 11,29% (hơn 27 triệu cổ phiếu) lên 12,13% (hơn 29 triệu cổ phiếu). Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu LDG đã bị giảm hơn 73%.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch Đầu tư Phát triển Xây Dựng - DIC Corp (DIG) vừa đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG từ 30/6 đến 29/7 để tăng sở hữu từ 51,4 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ gần 10,3% vốn) lên 61,4 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 12,3% vốn).

Hầu hết các cổ phiếu được đăng ký mua tăng trở lại trong phiên hôm qua. Giới đầu tư nhiều người kỳ vọng doanh nghiệp Việt sẽ vượt qua khó khăn, ngược dòng thế giới.

Còn rủi ro

Theo BSC, phiên giao dịch hôm 22/6 tiếp tục cho thấy sự lưỡng lự của thị trường khi gặp ngưỡng hỗ trợ cũ quanh vùng 1.160-1.180. Nếu mất ngưỡng hỗ trợ này, mô hình hai đáy sẽ bị phá vỡ khả năng VN-Index sẽ lùi tiếp về vùng 1100.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục quay trở lại đà tăng và VN-Index có thể biến động hẹp gần vùng hỗ trợ 1.155 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao và dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, đặc biệt dòng tiền vẫn đang có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc.

Chốt phiên giao dịch 22/6, chỉ số VN-Index giảm 3,2 điểm xuống 1.169,27 điểm. HNX-Index tăng 4,77 điểm lên 269,39 điểm. Upcom-Index tăng 0,6 điểm lên 85,63 điểm. Thanh khoản đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13,3 nghìn tỷ đồng trên HOSE.