Loạt doanh nghiệp thép vẫn không ngừng báo lỗ

Kết quả kinh doanh ngành thép tiếp tục ghi nhận giảm sút do nhiều khó khăn kéo đến cùng lúc. Đó là giá thép sụt giảm, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng do doanh nghiệp bất động sản, xây dựng gặp các khó khăn về pháp lý và vốn cũng góp phần khiến sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường Việt Nam giảm mạnh.
-2800-1674622245.jpg

Trong năm 2022, hầu hết giá các cổ phiếu đều giảm 60-70%. (Ảnh: Int)

Mới nhất, ổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã: TVN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với kết quả kinh doanh kém sáng.

Theo đó, tính riêng quý IV/2022, VNSteel ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.100 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Công ty vẫn có lãi gộp 309 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ (giai đoạn dịch bệnh) và khả quan hơn tình trạng lỗ gộp của quý trước đó. Trong đó, biên lãi gộp đã cải thiện đáng kể lên 3.8%.

Trong kỳ, công ty có khoản chi phí tài chính 145 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Ngoài ra, công ty còn phải gánh chịu phần lỗ hơn 400 tỷ đồng từ các công ty con trong hệ sinh thái, như Thép Vicasa, Gang thép Thái Nguyên… Các chi phí quản lý doanh nghiệp gần một nửa, xuống 218 tỷ đồng, nhưng không đủ để giúp VNSteel thoát lỗ.

Kết quả, ông lớn thép Việt bão lỗ sau thuế 410 tỷ đồng trong quý lV/2022, nối tiếp quý lỗ kỷ lục trước đó (lỗ 535 tỷ đồng).

Cả năm 2022, doanh thu thuần chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 38.477 tỷ đồng, song khoản lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 822 tỷ đồng, dù năm 2021 VNSteel báo lãi bùng nổ với 859 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, VNSteel nắm giữ hơn 10.125 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, bao gồm 2.500 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, 4.700 tỷ đồng hàng tồn kho - giảm đáng kể so với đầu năm. Công ty có nợ ngắn hạn hơn 10.315 tỷ đồng, trong đó hơn 6.000 tỷ đồng là nợ vay tài chính ngắn hạn.

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý IV hợp nhất mới được công bố, công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đạt doanh thu thuần 4.300 tỷ đồng trong ba tháng cuối năm 2022, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn hàng bán chỉ giảm với tốc độ 42% xuống còn 4.449 tỷ, dẫn tới khoản lỗ gộp 149 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi gộp 1.058 tỷ đồng của quý IV/2021. Chi phí bán hàng kỳ này của Nam Kim chỉ là 152 tỷ đồng, giảm 70%. Chi phí quản lý doanh nghiệp là gần 45 tỷ, gấp đôi cùng kỳ.

Sau khi hạch toán hết các nguồn thu nhập và chi phí, Nam Kim báo lỗ sau thuế hơn 356 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là quý lỗ gộp và lỗ ròng thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp chuyên về tôn mạ và ống thép này.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu của Nam Kim giảm 18% còn gần 23.100 tỷ đồng, lãi gộp sụt 64% còn 1.542 tỷ, lỗ sau thuế 66,7 tỷ trong khi năm trước có lãi hơn 2.200 tỷ. Đây là năm thua lỗ đầu tiên của Nam Kim trong một thập kỷ.

Trước đó, doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV đầy u ám với khoản lỗ kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng, doanh thu giảm 42%.

Tổng cộng hai quý III và IV/2022, Hòa Phát lỗ khoảng 3.800 tỷ. Lũy kế cả năm, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long vẫn có lãi thuần khoảng 8.400 tỷ.

Có thể thấy, trong năm 2022, giá thép tăng vọt trong quý đầu tiên do nhu cầu bị dồn nén và giá bán trên thị trường toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid trước khi điều chỉnh đáng kể vào cuối năm do nhu cầu suy yếu và hàng tồn kho ở mức cao.

Lợi nhuận của doanh nghiệp thép xấu đi và bắt đầu ghi nhận khoản lỗ lịch sử trong quý III/2022. Lợi nhuận của gần như tất cả công ty thép đều giảm đáng kể trong 9 tháng năm 2022 do nhu cầu thị trường giảm nhanh và giá thép giảm, khiến các công ty phải tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Trên sàn chứng khoán, sau giai đoạn 2020 và 2021, khi giá cố phiếu ghi nhận diễn biến vượt trội, ngành thép đã giảm 51% trong năm 2022, thấp hơn 18% so với kết quả của chỉ số VN-Index. Hầu hết giá các cổ phiếu đều giảm 60-70%, trong khi HPG - mã cổ phiếu có diễn biến tốt nhất cũng chứng kiến mức giảm 49%.

Kết phiên gần đây nhất 19/1, giá cổ phiếu NKG dừng ở 15.500 đồng/cp, cổ phiếu TVN dừng ở mức 5.500 đồng/cp và cổ phiếu HPG đứng ở mức 21.150 đồng/cp.

Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm.

Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp thép năm 2023 cũng chịu áp lực từ sự ảm đảm của thị trường bất động sản dân cư.

Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm.