Lợi dụng biến động tiền gửi “khủng”, hàng chục tỷ đồng của khách hàng tại Sacombank bị “hô biến”

Lợi dụng biến động tiền gửi “khủng” trong tài khoản của khách hàng, một số cán bộ của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có hành vi rút tiền và chuyển khoản để chiếm dụng trái luật với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Khách hàng mất tiền bức xúc, trong khi đó Sacombank liên tục tìm cách “ban bóng” để giảm nhiệt trách nhiệm?

Thương hiệu và Pháp luật vừa nhận được Đơn kêu cứu và tố giác của bà Hồ Thị Thùy Dương, sinh năm 1977, tại phường Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa về việc hàng chục tỷ đồng trong tài khoản cá nhân của bà bị các cán bộ thuộc phòng giao dịch Cam Ranh, chi nhánh Khánh Hòa của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã sử dụng nghiệp vụ rút tiền trái phép. Sự việc trên thực sự nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bà Dương trong nhiều tháng qua.

Cụ thể, theo đơn thư, bà Hồ Thị Thùy Dương là chủ tài khoản 0500420042321 mở tại ngân hàng Sacombank, chi nhánh Khánh Hòa, phòng giao dịch Cam Ranh. Đây là tài khoản để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh tôm giống giữa bà Dương và các chủ hàng, hộ cá thể nuôi tôm... nên số tiền biến động trong tài khoản hàng ngày rất lớn, có tháng lên đến cả trăm tỷ đồng.

Khoảng tháng 5/2022, bà Dương phát hiện ra tài khoản của bà bị thiếu hụt tiền. Bà Dương đã đề nghị ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 1-5-2022 để kiểm tra và đối chiếu các giao dịch. Sau khi rà soát, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch rút tiền và chuyển khoản, mà những khoản giao dịch này bà không hề thực hiện bằng việc rút tiền trực tiếp tại quầy hay sử dụng hình thức chuyển khoản điện tử (internet banking). Tổng số tiền của 12 giao dịch trên tương ứng với số tiền thâm hụt đã được kiểm tra nhiều lần lên tới 46,9 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, Bà Dương bức xúc cho biết: “Tôi thực sự sốc và chịu đả kích quá lớn khi phát hiện số tiền bị rút trộm lên tới hàng chục tỷ đồng như vậy. Điều bất bình thường ở đây là nội dung giao dịch ghi tôi rút tiền mặt (9 giao dịch) song thời gian thực hiện giao dịch toàn là các cung giờ 6g chiều đến 9g tối, đây là khung giờ mà mọi giao dịch tại ngân hàng đều đóng cửa. Thậm chí 1 trong 3 giao dịch chuyển khoản trái phép mà tôi phát hiện lên tới 11 tỷ đồng, trong khi hạn mức cho phép tối đa chuyển khoản của tôi là 10 tỷ đồng. Tôi đã kỳ công kiểm tra số tài khoản được gửi ấy, là thuộc sở hữu của một bảo vệ của công ty tư nhân. Trước đó, phía ngân hàng Sacombank nắm rất rõ, tôi không có bất kỳ ủy quyền cho ai thay mặt để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng”.

Theo bản sao kê 12 giao dịch bà Dương cung cấp, cụ thể ghi rõ: ngày 4/5/2022, lúc 17g46p03, bà Dương chuyển khoản 2,37 tỷ đồng; lúc 17g53p09 cùng ngày, bà Dương rút tiền mặt 2 tỷ đồng. Hay 19g07p08 ngày 6/5/2022 bà Dương rút tiền mặt 910 triệu đồng. Hay 19g29p08 ngày 16-5-2022 bà Dương rút tiền mặt 5,92 tỷ đồng... vân vân. Tổng số tiền bị rút từ 4/5/2022 đến 14/6/2022 của 12 giao dịch là 46,9 tỷ đồng.

don-yeu-cau-1678942214.jpg Bà Dương đã nhiều lần gửi văn bản như Đơn báo cáo, Giấy đề nghị, Thư đề nghị, Đơn yêu cầu... để đòi quyền lợi chính đáng của mình

Tìm hiểu của PV, quy định giao dịch của cá nhân khi rút tiền tại không chỉ ngân hàng Sacombank sẽ bắt buộc gồm các bước như xuất trình giấy tờ cá nhân có giá trị để giao dịch viên lập lệnh rút tiền; Ký tên trên các chứng từ rút tiền từ giấy rút tiền, bảng kê kiểm đếm số tiền rút; Đối chiếu thông tin, đối chiếu chữ ký mẫu và chứ ký trên giấy rút tiền; Bộ phận kiểm soát kiểm tra chéo thông tin, kiểm tra lệnh rút tiền và chuyển cho bộ phận thủ quỹ để xuất tiền; Bộ phận thủ quỹ xác nhận lệnh xuất tiền tại quầy giao dịch, chuyển cho cán bộ giao dịch và cá nhân người rút tiền kiểm đếm trước mặt nhân viên giao dịch.

“Quy trình giao dịch rút tiền qua nhiều khâu và chặt chẽ như vậy song yếu tố tiên quyết là đích thân chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản có văn bản ủy quyền hợp lệ và đăng ký với ngân hàng phải thực hiện giao dịch tại quầy. Tôi là chủ tài khoản nhưng không có mặt tại đó thì có thể khẳng định số tiền của các giao dịch rút tiền trên là trái phép. Tôi đã đưa ra những bằng chứng chứng minh thời điểm phát sinh giao dịch rút 46,9 tỷ đồng của 12 giao dịch như đã nói, tôi ở nơi khác. Thậm chí, tôi cũng đề nghị ngân hàng Sacombank trích xuất camera tại quầy, nhưng đều không có. Vậy có thể kết luận, tiền của tôi đã bị rút trộm”, bà Dương nhấn mạnh.

Theo đơn thư, bà Dương đã nhiều lần gửi văn bản như Đơn báo cáo, Giấy đề nghị, Thư đề nghị vào các ngày 11/10/2022, 21/10/2022, 26/10/2022 yêu cầu phía ngân hàng Sacombank có buổi làm việc để giải quyết việc tiền “khủng” bị lấy trộm. Tại một trong những buổi làm việc giữa bà Dương và ngân hàng Sacombank (không lập biên bản nội dung làm việc), bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh và một số cán bộ ngân hàng khác “đã thừa nhận hành vi rút tiền trộm tại thời điểm thực hiện các sao kê là 46,9 tỷ đồng”. “Bà Hà thừa nhận lợi dụng kẽ hở trong khâu hoạt động quản lý nghiệp vụ ngân hàng và nhận thấy tài khoản phát sinh nhiều giao dịch trong ngày nên móc nối với các cán bộ khác để thực hiện hoạt động rút tiền trái phép” (bà Dương cung cấp băng ghi âm – PV).

“Tôi đã nhiều lần đề nghị phía ngân hàng Sacombank hoàn trả lại số tiền đã bị trộm. Tuy nhiên, theo công văn số 394/2022/CV-CNKH ngày 5-12-2022, ngân hàng Sacombank trả lời rằng chưa thể giải quyết ngay yêu cầu của khách hàng và phải chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra (Vụ việc đã được cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo quyết định khởi tố 137/QĐ-CSĐT ngày 18-11-2022 đối với 4 cán bộ ngân hàng Sacombank – PV). Hiện nay hoạt động kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn. Khoản tiền trên thuộc về nhiều bà con nuôi tôm. Chờ biết đến bao giờ. Nhiều vụ việc tương tự đã kéo dài 3 đến 5 năm, như truyền thông đã đăng tải. Điêu đáng nói hơn, tôi cũng chỉ là một trong số nhiều người bị hại tương tự tại ngân hàng này”, bà Dương bức xúc nói.

sacombank-1678942373.jpg Nhiều khách hàng đến Phòng giao dịch Sacombank để đòi tiền bị mất trong tài khoản, tiết kiệm

Theo bà Dương, tại các buổi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa, điều tra viên đã cho rằng: Việc khởi tổ vụ án là khởi tố 4 bị can tham ô tài sản của ngân hàng không liên quan đến bà Dương. Vì vậy việc ngân hàng Sacombank nói rằng chờ kết quả điều tra của cơ quan công an là hoàn toàn không phù hợp; Trong quá trình điều tra không có tài liệu chứng minh cho việc thông đồng vay mượn  giữa bà Dương và 4 bị can nên việc chiếm giữ tiền trong tài khoản của bà Dương là trái luật; Việc khởi tố vụ ván tham ô tài sản, bà Dương là một trong những người có tài khoản bị các đối tượng trong vụ án bị khởi tố tự động rút tiền chiếm đoạt. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra không phong tỏa tài khoản, do vậy ngân hàng Sacombank không có quyền chiếm giữ số tiền của bà Dương, để chờ có kết luận từ phía các cơ quan chức năng.

“Quy định tại điều 597 Bộ luật Dân sự quy định: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Việc điều tra xử lý thuộc về cơ quan cảnh sát điều tra, là việc nội bộ của ngân hàng Sacombank giữa một bên là nhân viên, một bên là đơn vị quản lý. Tôi là khách hàng, việc mất tiền trong tài khoản, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả theo đúng luật định”, bà Dương kêu cứu.

 Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.