Lợi nhuận 'khủng' nhưng dòng tiền tại BIDV, Techcombank hao hụt hàng chục nghìn tỷ đồng

Lợi nhuận hàng nghìn tỷ trong năm 2020, nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy nhiều nhà băng đã bị hao hụt những khoản tiền không nhỏ. Chẳng hạn, dòng tiền thuần trong năm 2020 tại BIDV âm tới 71.501 tỷ đồng; Techcombank cũng bị âm hơn 10.918 tỷ đồng.

Có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá năng lực tài chính của một ngân hàng, trong đó phân tích các chỉ tiêu qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một trong những nội dung phân tích quan trọng nhằm đánh giá một cách hiệu quả năng lực tài chính.Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ được giá trị ngân hàng đó.

Thông thường dòng tiền vào – ra lớn nhất của các ngân hàng chủ yếu từ thu nhập lãi – chi phí lãi và cho vay – tiền gửi khách hàng. Nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay, phần tiền tăng thêm từ tiền gửi khách hàng không đủ bù cho lượng tăng thêm do cho vay cũng là một yếu tố khiến dòng tiền thuần trong kỳ bị hao hụt.

Tuy nhiên ngoài tác động từ dòng tiền lớn này, còn có những trường hợp đặc biệt cũng khiến tiền của nhiều nhà băng vơi bớt trong nửa đầu năm do giảm tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tăng đầu tư chứng khoán, hay phải thanh toán công nợ hoạt động/giảm tiền vay các TCTD khác…

Kết thúc năm tài chính 2020, tại các ngân hàng lớn dù có lợi nhuận cao nhất nhì hệ thống nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy đã bị hao hụt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tại BIDV, tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2020 âm tới 71.501 tỷ đồng trong khi năm trước tăng 48.865 tỷ đồng. Bao gồm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm gần 67.913 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước tăng gần 33.745 tỷ đồng;  lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tàì chính cũng bị âm 2.669 tỷ đồng, trong khi năm 2019 tăng gần 15.451 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 919 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ âm hơn 330 tỷ đồng.

tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2020 tại BIDV âm tới 71.501 tỷ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2020)

Nguyên nhân khiến dòng tiền tại BIDV âm chủ yếu do thu nhập khác giảm, tăng các khoản tiền gửi và cho vay TCTD khác, giảm các khoản nợ Chính phủ và NHNN...

(Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2020 tại BIDV)  

Ngay cả ‘top 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2020’ Techcombank cũng ghi nhận dòng tiền âm.

Cụ thể, năm 2020 tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Techcombank bị âm hơn 10.918 tỷ đồng (trong khi năm trước tăng hơn 9.315 tỷ đồng). Bao gồm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 10.073 tỷ đồng, năm 2019 tăng hơn 12.632 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư cũng âm gần 671 tỷ đồng, trong khi năm trước âm hơn 222 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 174,5 tỷ đồng trong khi năm 2019 âm đến 3.094 tỷ đồng.

Năm 2020, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Techcombank bị âm hơn 10.918 tỷ đồng (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại Techcombank)

Nguyên nhân khiến dòng tiền tại Techcombank âm chủ yếu là do tăng chi các khoản đầu tư vào chứng khoán, giảm tiền gửi và vay các TCTD khác, giảm các khoản nợ Chính phủ và NHNN, cho vay khách hàng giảm...

Hay tại ngân hàng ACB, dù tổng lưu chuyển dòng tiền trong năm 2020 đạt 10.343 tỷ đồng, tăng 65% so với năm ngoái. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 10.879 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động đầu tư tại ACB lại âm hơn 395,5 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 140 tỷ đồng trong khi năm 2019 tăng hơn 1.033 tỷ đồng.