Long Hậu gây thiệt hại cho nhà đầu tư

Việc chậm nộp báo cáo kiểm toán và không lên tiếng giải trình dù bị nhắc nhở không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Công ty cổ phần Long Hậu, mà còn khiến giá cổ phiếu LHG giảm mạnh.

du-an-khu-cong-nghiep-long-hau-1-1664348888.jpgNgoài việc chậm nộp báo cáo kiểm toán, Long Hậu còn đang gặp vấn đề về chi phí đền bù tăng thêm đối với Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1.

Cổ phiếu bị cắt margin

Là cổ phiếu cơ bản, nhưng cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu bất ngờ bị cắt margin từ ngày 8/9 và đưa vào diện cảnh báo từ ngày 22/9 với lý do Long Hậu chậm nộp báo cáo kiểm toán bán niên năm 2022 và đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở nhưng không phản hồi, tiếp tục im lặng từ ngày 31/8/2022 tới nay.

Việc đột ngột bị cắt margin đồng nghĩa sức mua và dòng tiền vào cổ phiếu sẽ giảm, trực tiếp ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Thống kê từ ngày 31/8 (thời điểm Long Hậu bị HoSE nhắc nhở chậm nộp báo cáo kiểm toán bán niên) đến ngày 16/9, giá cổ phiếu LHG giảm 15,3%, từ 40.400 đồng về 34.200 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cùng thời gian, Chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 3,6%.

Có thể thấy, việc chậm nộp báo cáo kiểm toán bán niên đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu, từ đó ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu LHG. Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Tại sao một doanh nghiệp cơ bản, hoạt động kinh doanh ổn định và sở hữu cơ cấu tài sản tốt lại chậm nộp báo cáo và không lên tiếng giải trình dù đã bị HoSE nhắc nhở? Điều này không chỉ gây thiệt hại tới uy tín của Công ty, mà còn khiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn.

Thực tế, việc chậm nộp báo cáo kiểm toán bán niên chỉ là một trong các vấn đề mà Long Hậu đang và sẽ đối mặt. Công ty còn đang gặp vấn đề về chi phí đền bù tăng thêm đối với Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 và quỹ đất sẵn sàng cho thuê trong thời gian tới.

Được biết, ngày 15/8/2007, Long Hậu nhận được văn bản về việc hoàn trả các khoản chi phí do Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp nhà nước sở hữu 48,67% vốn điều lệ tại Long Hậu) đã chi trước đây để phát triển Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 là 58,15 tỷ đồng (Long Hậu đã thanh toán theo yêu cầu Tân Thuận năm 2007).

Năm 2018, Long Hậu tạm ứng thêm 65 tỷ đồng liên quan tới chi phí tái định cư và ký hợp đồng hoàn trả chi phí Dự án Long Hậu 1. Tuy nhiên, Tân Thuận đã gửi văn bản mới tới Long Hậu các ngày 3/7/2020, 12/11/2021 và 12/4/2022 về số tiền hoàn trả chi phí bố trí tái định cư cho Dự án là 328,7 tỷ đồng. Tính tới ngày 30/6/2022 (báo cáo tự lập), Long Hậu chưa ghi nhận chi phí bố trí tái định cư này vào báo cáo. Như vậy, ước tính chi phí đền bù thêm lên tới 206 tỷ đồng, bằng 70% lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Long Hậu.

Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa năm nào lợi nhuận của Long Hậu vượt con số 328,7 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận lớn nhất đạt được là 296 tỷ đồng vào năm 2021. Trong quý II/2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 40,85 tỷ đồng, giảm 81,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 54,1% về còn 24,8%. Được biết, kể từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào biên lợi nhuận gộp giảm xuống mức thấp 24,8% như quý II/2022.

Long Hậu cho biết thêm, doanh thu giảm chủ yếu do doanh thu cho thuê đất đã phát triển hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu giảm 65,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 321,4 tỷ đồng, về 172,5 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt 347,7 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 89,52 tỷ đồng, giảm 64,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, chi phí đền bù Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 với tổng số tiền 328,7 tỷ đồng (ghi bổ sung 206 tỷ đồng) đang là một khoản chi phí treo, có thể sẽ phải ghi nhận trong tương lai và có thể khiến kết quả kinh doanh của năm tài chính đó lao dốc, thậm chí lỗ nếu phải ghi nhận trong kỳ mà lợi nhuận thấp như từ năm 2010 đến năm 2020.

Đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi

Trong năm 2022, Long Hậu đặt kế hoạch tổng doanh thu 781 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110,9 tỷ đồng (giảm 62,6% so với thực hiện trong năm 2021). Công ty cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh 5 năm từ 2021 đến 2025, trong đó lợi nhuận đạt đỉnh năm 2021, sau đó suy giảm năm 2022, hồi phục nhẹ giai đoạn 2023-2024 và tăng trở lại từ năm 2025.

Việc chậm nộp báo cáo kiểm toán bán niên chỉ là một trong các vấn đề mà Công ty cổ phần Long Hậu đang và sẽ đối mặt.

Long Hậu cho biết, Công ty chỉ còn đất công nghiệp thương phẩm tại Khu công nghiệp Long Hậu 3 (khai thác từ năm 2019) và kinh doanh dự kiến đến năm 2025 với quỹ đất còn lại khá hạn chế. Trong khi đó, các dự án khu công nghiệp mới gồm Long Hậu mở rộng (giai đoạn II) và Khu công nghiệp An Định kế hoạch đến năm 2024 mới có đất thương phẩm đưa vào kinh doanh.

Ngoài ra, Long Hậu dự kiến bắt đầu cho thuê Khu công nghiệp Long Hậu 3.2 (quy mô 90 ha tại Long An) và An Định (quy mô 200 ha tại Vĩnh Long) từ năm 2024. Được biết, 2 khu công nghiệp này đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi bắt đầu triển khai.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt ước tính, Long Hậu còn khoảng 61 ha đất Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 3.1. Trong đó, quỹ đất sẵn sàng cho thuê khoảng 40 ha. Tuy nhiên, do việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đền bù dự án đã tăng từ 1.700 tỷ đồng lên 2.100 tỷ đồng, tăng 24% so với kế hoạch trước đó.

Do đó, từ năm 2022, Long Hậu sẽ phải tập trung toàn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý của các dự án để sớm triển khai xây dựng, bổ sung quỹ đất kinh doanh cho các năm tới. Kế hoạch trọng tâm là, đối với đất khu công nghiệp, khai thác một khu công nghiệp mới từ năm 2024, tìm kiếm quỹ đất bổ sung vào diện tích 500 ha; đối với đất dân cư - tái định cư, khai thác từ năm 2024.

Có thể thấy, việc thiếu dự án gối đầu tạo quỹ đất sẵn sàng cho thuê đang là một điểm trừ đối với Long Hậu dù hoạt động trong lĩnh vực được dự báo tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Thêm nữa, chi phí đền bù Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 đang là chi phí treo - đây là một rủi ro tăng thêm trong các kỳ báo cáo tương lai.