Mắc cạn vì lỡ ôm vàng giá đỉnh

Nhiều người mua vàng từ lúc giá 73 triệu đồng/lượng, đến nay phải đi vay tiền trả nợ vì giá vàng liên tục đứng ở ngưỡng thấp suốt thời gian dài qua.

Đầu năm 2022, chị Lê Thùy Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đem toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 600 triệu đồng để mua 10 lượng vàng (giá vàng thời điểm chị Linh mua khoảng 61,2 triệu đồng/lượng). Đến đầu tháng 3, khi giá vàng đạt mốc 70 triệu đồng/lượng (mua vào), chị Linh đã bán toàn bộ 10 cây vàng và thu lãi 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, thấy giá vàng tiếp tục có xu hướng tăng phi mã, sau khi suy nghĩ kỹ, chị Linh quyết định đem toàn bộ số tiền hiện có và vay thêm bạn bè hơn 700 triệu để mua thêm vàng. Thời điểm chị Linh mua, giá đạt đỉnh 73,1 triệu đồng/lượng, chị Linh đầu tư 20 lượng, định đợi giá lên là chốt lời.

Khi mức giá đạt đỉnh 74 triệu đồng/lượng, chị Linh chần chừ không muốn bán vì mức giá này so với mức giá chị mua chưa có lãi nhiều nên chị vẫn quyết chờ giá lên tiếp.

Tuy nhiên, sự tính toán của chị Linh đã sai lầm, giá vàng từ lúc đạt đỉnh 74 triệu đồng đến nay đều liên tục sụt giảm và hiện đứng yên quanh ngưỡng 68- 69 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá chị Linh mua, 20 lượng vàng của chị đã lỗ 100 triệu đồng.

Nếu tôi bán lúc này thì chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tôi lỗ cả trăm triệu đồng. Nhưng nếu chờ, hàng tháng tôi phải trả lãi số tiền 700 triệu đồng kia cũng rất mệt mỏi. Giá vàng cứ nằm đáy như thế này thì sắp tới tôi không biết sẽ phải thế nào”, chị Linh nói.

Giá vàng xuống dốc khiến nhiều nhà đầu tư mắc cạn.

Cũng "ôm" nhiều vàng nhưng không chịu được áp lực trả lãi như chị Linh, chị Phan Ngọc Huyền (Đông Anh, Hà Nội) đã phải chấp nhận cắt lỗ để bán vàng.

Chị Huyền là chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang, thu nhập hàng tháng của chị khá tốt. Khi thấy giá vàng có sự biến động, chị Huyền cũng không bỏ qua cơ hội để "lướt sóng". Chị Huyền mua vàng từ lúc giá chỉ 60 triệu đồng/lượng, nên khi giá tăng đến 65 triệu đồng/lượng, chị Huyền đã bán đi chốt lời.

Tuy nhiên, khi thấy đà tăng của vàng vẫn tiếp diễn, chị Huyền lại bỏ hơn 2 tỷ đồng ra mua 30 lượng vàng. Thời điểm chị Huyền mua, giá vàng là 72 triệu đồng/lượng.

Đến nay, giá vàng hiện đã giảm mạnh và chững lại suốt một thời gian dài, số tiền chị Huyền lỗ đã lên tới 120 triệu đồng. Trong khi số tiền hơn 2 tỷ đồng kia là tiền vốn làm ăn và tiền đi vay, nên ngày nào chị Huyền cũng như ngồi trên đống lửa.

Tôi là dân làm ăn nên lúc nào cũng rất cần tiền để xoay vòng vốn. Tôi mua vàng với mục đích lướt sóng, nhưng ai ngờ giờ lại mắc cạn. Chưa biết đến khi nào giá vàng mới tăng trở lại, nên tôi đành rứt ruột bán đi để trả nợ và lấy tiền về làm ăn. Càng để lâu, dòng tiền chết thì tôi càng lỗ nặng”, chị Huyền nói.

Sáng 31/5, giá vàng miếng SJC giảm tiếp 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào còn 68,1 triệu đồng/lượng và bán ra 69,1 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji mua vào còn 68,2 triệu đồng/lượng và bán ra 69,15 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 68,2 triệu đồng/lượng và bán ra 69,2 triệu đồng/lượng… Thị trường vàng giao dịch ảm đạm, giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 17,6 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá mua - bán của vàng vẫn khá lớn, từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nhận xét về khoảng cách này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh trong nước điều chỉnh chênh lệch mua vào - bán ra quá cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua.

"Giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Mức chênh 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng là cao và trên 1 triệu đồng/lượng là rất cao.

Việc đẩy chênh lệch mua vào - bán ra quá cao có nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp”, ông Hiếu nói.