Mạo danh cả Phó Chủ tịch Hội Đông y Thái Bình để lừa bán thực phẩm chức năng

Thời gian qua, dư luận bức xúc bởi một nhóm đối tượng đã dàn dựng quảng cáo mạo danh Bác sĩ Bùi Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Bình, để bán thực phẩm chức năng Bách Giáp Vương, khiến người bệnh sập bẫy lừa, tiền mất tật mang.
1656905253z3540282178313-b361dc2f42d7465abeb9815b40aee962-1667950932.jpg
Nhân vật được cho là đã mạo danh Bác sĩ Bùi Đức Hán để "nổ" công dụng thực phẩm BVSK Bách Giáp Vương như thần dược, khiến nhiều người bệnh sập bẫy lừa.

Theo đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện các quảng cáo sản phẩm Bách Giáp Vương, gắn với hình ảnh một người đàn ông mặc áo blu trắng, với thông tin giới thiệu là Bác sĩ Bùi Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Bình, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Trong các clip quảng cáo, nhân vật này nói Bách Giáp Vương là bài thuốc, có thể điều trị dứt điểm các loại bệnh u nang, u tuyến giáp, u xơ tử cung…. Vị này còn nhấn mạnh, ung thư thì tôi không chữa được, nhưng các loại bệnh u thì tôi chữa được hết, sau đó vị này đưa sản phẩm Bách Giáp Vương ra để nhấn mạnh bài thuốc và tăng thêm lòng tin với người bệnh.

z3540282180671_7cc9809637c12cedccc7aae85418444e
Sản phẩm Bách Giáp Vương, chỉ là thực phẩm BVSK, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thì sản phẩm Bách Giáp Vương, được cho là do Công ty TNHH Win Grown Việt Nam (Cty Win Grown Việt Nam), có địa chỉ tại Tầng 2, số 23 ngõ 178 Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống đa, Hà Nội, chịu trách nhiệm công bố lưu hành, người đại diện pháp luật của đơn vị này là bà Nguyễn Hoàng Yến.

Đơn vị sản xuất là Công ty cổ phần dược phẩm Bảo Nguyên, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sản phẩm Bách Giáp Vương chỉ là thực phẩm BVSK, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4246, ngày 12/5/2021, và Giấy xác nhận quảng cáo số 3604, ngày 23/12/2021, trong đó ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Nhưng bằng nhiều chiêu trò quảng cáo, họ đã biến công dụng sản phẩm này như thần dược “trị dứt điểm các loại bệnh u”, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

123q
Bác sĩ Bùi Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Bình, người bị mạo danh quảng cáo Bách Giáp Vương.

Để làm rõ vụ việc, PV đã tìm về Hội Đông y tỉnh Thái Bình, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Bùi Đức Hán, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam, khẳng định không liên quan gì đến sản phẩm Bách Giáp Vương, người đàn ông trong clip quảng cáo đã mạo danh ông Hán để quảng cáo sai sự thật.

Ông Hán cũng cho biết, mới đây có nhiều người bệnh là nạn nhân sập bẫy lừa của nhóm đối tượng quảng cáo bán sản phẩm Bách Giáp Vương đã tìm về Hội Đông y tỉnh Thái Bình để phản ánh và làm rõ về bác sĩ Bùi Đức Hán trên các clip quảng cáo, ông Hán đã rất bức xúc vì cá nhân ông đã bị mạo danh để lừa đảo người bệnh. Mới đây ông Hán cũng đã gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, tránh cho nhiều người bệnh rơi vào bẫy lừa trên.

Chị Nguyễn Thị Chiều, ở Thường Tín, Hà Nội.  một nạn nhân đã dính bẫy lừa mua Bách Giáp Vương, cho biết: "Do tin vào clip quảng cáo trên mạng, tôi đã mua hết 6 triệu đồng, điều trị không những không tiến triển mà liên tục bị táo bón, tôi đã về thành phố Thái Bình gặp bác sĩ Hán để làm rõ, khi biết là họ mạo danh bác sĩ Hán để lừa đảo, tôi mới liên hệ với bên bán Bách Giáp Vương, thì họ chặn hết liên lạc với tôi. Chúng tôi là người bệnh tật vốn đã khó khăn, nhưng họ lỡ lòng nào lừa đảo như vậy, tốn một đống tiền rồi, giờ muốn đi bệnh viện khám cũng không còn tiền nữa".

Trước những chiêu trò quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo táo tợn trên, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Win Grown Việt Nam để làm rõ, nhưng vị này đã tránh né bất hợp tác.

Thiết nghĩ, Cục An toàn thực phẩm cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng này. Các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng cần lên tiếng để có hình thức cảnh báo, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Người dân thì nên hết sức cẩn trọng, cần tìm hiểu thông tin nguồn gốc sản phẩm trước khi xuống tiền, đừng bao giờ tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ, để tự biến mình thành nạn nhân sập bẫy lừa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.