“Loạn” tên, thành phần mỹ phẩm “độc”, “lạ”
Hiện nay, các sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo với nhiều tên, thành phần sản phẩm và công dụng “độc”, “lạ”. Trên websize angelbeauty.com của thẩm mỹ viện Angel beauty quảng cáo sản phẩm dưỡng da kem dưỡng “Siêu ẩm Supermoist 24hr Hydration 50ml, với thành phần Tam Meus Indica – một loại cây nhiệt đới châu Phi có chứa chất kích thích miễn dịch mạnh và chất giữ ẩm hiệu quả và Myrothamnus Flabellifolia – loài thực vật này được tìm thấy ở sa mạc tại Nam Phi... giàu chất chống oxy hóa, loại cây này rất hữu ích trong việc điều chỉnh những thay đổi oxy hóa do tia UV gây ra”.
Thẩm mỹ viện Angel Beauty còn giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm Skin Doctors White & Glow DuoPearl Serum "là một loại thuốc xóa sắc tố”, giúp làm sáng & trắng da trong 14 ngày cho làn da tươi sáng, rạng rỡ, được hỗ trợ bởi công nghệ ngọc trai Microfluidics mới nhất...
Spa Little Garend thì quảng cáo chiết xuất mầm gạo và sữa non thiên nhiên an toàn cho làn da, có trong liệu trình tắm trắng giúp chị em dễ dàng sở hữu làn da trắng hồng, tự nhiên không châm chích.
Lý giải về sữa non thiên nhiên, nhân viên tên Thanh của spa Little Garend cho biết: sữa non là sản phẩm do bên spa em sản xuất độc quyền, thành phần tự nhiên từ động vật - sữa non của bò, sau đó tái chế và pha thêm thành phần khác để khi thoa lên body kem sẽ thấm da hơn. Sau khi nằm lồng hấp lâu da sẽ bị khô, dùng mầm gạo xay nhuyễn trộn sữa non ủ lên da 5 - 10 phút....
Những tên mỹ phẩm "độc quyền" được cơ sở làm đẹp quảng cáo trên websize |
Chia sẻ về những loại mỹ phẩm có tên gọi và thành phần độc, lạ được nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo cho khách hiện nay, chị Đỗ Ngọc Lý (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay: tôi từng được TMV S.P giới thiệu sử dụng mỹ phẩm cho liệu trình chăm sóc da là “huyết thanh đông trùng hạ thảo”, khi nghe tư vấn xong không biết là mỹ phẩm gì? đi làm đẹp theo gói này gói kia cả vài chục triệu đồng nhưng chỉ biết phó thác làn da cho nhân viên tư vấn và lương tâm TMV...
Chị Thanh H. (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) thì chia sẻ: “Viện thẩm mỹ Lavender By Chang chào mời khách sử dụng “tinh chất tế bào tươi”, khi tôi hỏi “tinh chất tế bào tươi” cụ thể là cái gì? Thì được nhân viên tại đây cho biết: là mỹ phẩm chứa hỗn hợp các vitamin, protein và diệp lục được cấp vào gốc da, làm trung hoà các melamin sâu dưới da. Một buổi cấy tinh chất là 8.000.000đồng, 5 buổi giá gốc 40 triệu đồng, giảm còn 32 triệu đồng. Tinh chất này nhập khẩu từ Hàn, độc quyền của Lavender By Chang. Không những thế, Lavender By Chang còn quảng cáo công nghệ tắm tinh chất trắng da từ rượu Sake Nhật Bản, hoa Xuyên Tuyết... toàn những thành phần khó mà có thật trong mỹ phẩm” – chị Thanh H. hoang mang.
Quảng cáo công nghệ tắm trắng bằng tinh chất trắng da từ rượu Sake Nhật Bản và dưỡng da tinh chất hoa Xuyên Tuyết, trên websize lavenderbychang.com |
Mỹ phẩm “điều trị” các bệnh về da?
Việc tự do quảng cáo các dịch vụ, thành phần, tên gọi sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp, đã khiến nhiều người lầm tưởng TMV, Spa có thể điều trị các bệnh về da như cơ sở y tế. Hầu hết các trang web quảng cáo dịch vụ làm đẹp có liên quan đến chăm sóc da đều sử dụng từ “trị”, “điều trị”.
Đơn cử trường hợp spa Litte Garden quảng cáo dịch vụ trị mụn, làm trắng da lưng – mông như bệnh viện: “Phác đồ điều trị cá nhân, riêng biệt cho từng tình trạng khách hàng được chuyên viên da liễu trực tiếp tư vấn: Điều trị triệt để loại sạch mụn đỏ, mụn viêm, triệt tiêu lông mọc ngược, cuộn tròn trong da, dứt điểm viêm nang lông... Rút ngắn 2/3 lộ trình điều trị".
Nhiều cơ sở làm đẹp vi phạm luật quảng cáo khi sự dụng từ ngữ gây hiểu lầm TMV, spa có để điều trị bệnh như cơ sở y tế |
Theo các chuyên gia về hoá mỹ phẩm, dược phẩm, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Các sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm. Cùng với đó, những sản phẩm có đường dùng uống, tiêm hoặc tiếp xúc với những phần khác của cơ thể (màng nhầy của đường mũi, bộ phận sinh dục trong, …) thì không được phân loại là mỹ phẩm.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm như: trị nám, trị mụn, trị viêm lợi,… Tuy nhiên, việc quảng cáo lạm dụng cụm từ “điều trị” hiện hoàn toàn công khai trên websize của đa số cơ sở làm đẹp chỉ có chức năng chăm sóc da đơn thuần.
Thiết nghĩ, Sở Y tế TP, Quản lý thị trường cần, cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra giám sát, siết chặt quy định quảng cáo cũng như kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường, là những sản phẩm đang từng ngày tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người.
Luật sư Đỗ Ngọc Oánh – Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, khi doanh nghiệp cố tình quảng cáo sai tên, thành phần phẩm mỹ phẩm là hành vi sai phạm quy định luật quảng cáo. Hình thức biến tướng tên sản phẩm nhằm thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm, cần phạt nặng vi phạm để “dẹp” quảng cáo “khống”.
Căn cứ Điều 51, Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a, b khoản 14 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP), quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo về vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm, tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn...; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Đặc biệt, hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm có thể bị xử phạt với số tiền lên đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, phạt tiền lên đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức, theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.