MBBank: Giá trị phát hành trái phiếu và Nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 3 lần

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2022, Ngân hàng MBBank đã phát hành 22 lô trái phiếu với tổng giá trị 14.720 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank; HOSE: MBB) đã phát hành 22 lô trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, khối lượng dao động từ 1 đến 1.000 trái phiếu/lô, kỳ hạn 7 năm. Tổng giá trị phát hành trong năm 2021 là 4.750 tỷ đồng.

gia-tri-phat-hanh-trai-phieu-cua-mbbank-tang-vot-trong-nam-2022-1676339936.pngGiá trị phát hành trái phiếu của MBBank tăng vọt trong năm 2022.

Đến năm 2022, MBBank cũng phát hành 22 lô trái phiếu với 2 loại mệnh giá 10 triệu đồng và 1 tỷ đồng/trái phiếu, khối lượng từ 30 đến 3.000 trái phiếu/lô. Điều này khiến giá trị phát hành trái phiếu của MBBank tăng mạnh lên 14.720 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2021.

Cũng trong năm 2022, MBBank đã đáo hạn 12 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.789,3 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá trị phát hành tăng vọt trong năm 2022 nên mức độ rủi ro từ trái phiếu của MBBank vẫn tăng trưởng mạnh. 

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến cuối năm 2022, nợ trái phiếu của MBBank đạt mức hơn 26.048 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cuối năm 2021.

Ngoài chịu rủi ro từ việc phát hành có giá trị tăng đột biến, chất lượng tín dụng của MBBank đáng lo ngại khi Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 3 lần so với năm 2022.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, MBBank có tổng nợ xấu nội bảng đạt hơn 5.031 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, tăng mạnh 54% so với cuối năm 2021. Việc này khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,9% đầu năm lên 1,1%. Đáng chú ý, Nợ có khả năng mất vốn tăng 2,8 lần lên đến 2.293 tỷ đồng, chiếm hơn 45% tổng nợ xấu của MBBank.

Ngoài ra MBBank cũng đang chịu rủi ro từ gần 400.257 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Bao gồm bao lãnh vay vốn (146,1 tỷ đồng), cam kết giao dịch hối đoái (202.660.2 tỷ đồng), cam kết trong nghiệp vụ L/C (28.829,1 tỷ đồng),…

no-co-kha-nang-mat-von-cua-mbbank-tang-gan-3-lan-so-voi-nam-ngoai-1676339930.pngNợ có khả năng mất vốn của MBBank tăng gần 3 lần so với năm ngoái.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MBBank giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.

Luỹ kế cả năm, nguồn thu chính của MBBank là thu nhập lãi thuần đạt hơn 36.023 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi 1.704 tỷ đồng, tăng 28%, nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tăng mạnh đến 74%, ghi nhận 3.014 tỷ đồng. 

Trong khi các khoản thu ngoài lãi khác đều giảm so năm trước. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 5%, xuống còn 4.135,6 tỷ đồng; Lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 36,2% xuống còn hơn 141 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 9% xuống mức 1.315 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm 34%, còn 2.142 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ các khoản nợ đã xử lý 39%, xuống còn 1.648 tỷ đồng.

Năm 2022, MBBank trích ra 8.047,6 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, thay đổi không quá nhiều so với năm trước. Kết quả MBBank báo lãi trước thuế 22.729 tỷ đồng, tăng 38%. 

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MBBANK đạt hơn 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460.574 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm ngoái.

Về thị trường chứng khoán, sáng ngày 13/2/2023, cổ phiếu MBB đang được giao dịch với mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước đó. 

Tính từ hổi đầu tháng 2, cổ phiếu MBB đã giảm 900 đồng/phiếu (tương đương giảm 4,7%) so với mức 18.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 1/2/2023.