Mối lo giữa lúc tỷ giá tăng và lạm phát chưa phải ‘quá nóng’

06/07/2022 13:16

Tỷ giá USD/VND đạt mức cao nhất trong 2 năm qua, cộng với nguy cơ và sức ép từ lạm phát dù chưa phải “quá nóng” nhưng là hiện hữu, đang tạo không ít áp lực trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vẫn còn đó lắm mối lo khi giá hàng hoá tăng, sản xuất khó khăn hơn, bán hàng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngày 5/7, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 2,23% so với đầu năm 2022. Mức tỷ giá này cũng đạt cao nhất trong 2 năm qua.

Áp lực từ việc tỷ giá tăng

Bên cạnh đó, theo Yuanta Việt Nam, động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước trong những ngày qua được xem là kiềm chế lạm phát và làm giảm áp lực tỷ giá USD/VND. 

Đồng thời, động thái này của Ngân hàng Nhà nước cũng nhằm giảm tình trạng dư thừa thanh khoản và khiến chênh lệch lãi suất tiền VND và USD thu hẹp do khi đó lãi suất tiền VND sẽ có xu hướng tăng dần.

Và  Yuanta dự báo đồng VND có thể bị phá giá thêm 1% so với đồng USD trong 6 tháng cuối năm. 

lam-phat-1657084086.jpg Giá hàng hoá tăng, bán hàng càng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia nhận định tỷ giá trong nước tăng cao sẽ giúp hạn chế hàng nhập khẩu, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với những áp lực rất lớn từ chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất sẽ tăng lên tương ứng.

Số liệu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay cũng phần nào cho thấy áp lực này. Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) ước đạt 164,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, cần phải kể đến một số mặt hàng ghi nhận mức tăng kim ngạch nhập khẩu cao như: Than đá tăng 129,5%; dầu thô tăng 48%; xăng dầu các loại tăng 118%; khí đốt hóa lỏng tăng 59%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 29%; hóa chất tăng 33%; phân bón tăng 32%; Lúa mì tăng 30%…

Do chi phí đầu vào bị đội lên, cộng thêm yếu tố tỷ giá làm gia tăng khó khăn cho phía doanh nghiệp (DN) khi hoạt động trong điều kiện giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm giá thành bị đội lên.

Tuy vậy, đối với DN nhập khẩu, điều quan trọng là cần ổn định tỷ giá USD/VND như những năm qua, mỗi năm tỷ giá chỉ điều chỉnh tăng ở mức 1% - 2%. 

Theo giới chuyên gia, tỷ giá tăng chủ yếu gây bất lợi cho những DN thuần nhập khẩu, ảnh hưởng nhiều đến chi phí của DN.

Nguy cơ và sức ép là hiện hữu

Còn với lạm phát, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải chịu áp lực lạm phát từ sự gia tăng đột biến của tổng cầu trong giai đoạn hậu Covid-19 trong khi chuỗi cung ứng chưa ổn định và nguồn cung hạn chế. 

Cho nên, có thể hạn chế tối đa các cú sốc từ bên ngoài bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tập trung phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng thế giới leo thang

Bên cạnh đó, khi phân tích về tình hình kinh tế nửa đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề “quá nóng” như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do đó phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả. 

Bộ KH&ĐT đã phân tích rất kỹ tác động của việc giá dầu tăng đã ảnh hưởng tới giá cả hàng loạt mặt hàng khác, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao. Điều này khiến giá hàng hoá tăng, sản xuất khó khăn hơn, bán hàng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN.

Đơn cử như với các mặt hàng thực phẩm ở một số tỉnh, thành phía Nam, theo ghi nhận  trong những ngày đầu tháng 7, vẫn đang tiếp tục vào đợt tăng giá mới (đặc biệt là tăng mạnh ở khâu bán lẻ) với mức cao hơn trước đó, do chi phí sản xuất không ngừng “leo thang”.

Cụ thể, vào thời điểm này, mặt hàng trứng gia cầm vốn tương đối ổn định về giá cũng tăng lên khoảng 30-50% so với hồi đầu năm. Với nhóm thịt heo, bò, gà tăng 10-20% so với đầu năm và tăng nhanh trong hơn một tháng nay và tăng 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dầu ăn, nước mắm, đường... tăng 30% so với đầu năm.

Trong khi đó, theo một số DN vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm, giá bán lẻ thực phẩm tăng chủ yếu là bởi chi phí phân phối và vận chuyển tăng cao. Do chi phí đầu vào tăng mạnh, rồi chi phí cho khâu phân phối cũng là gánh nặng nên có nhiều DN đã buộc phải giảm 50% điểm phân phối, bán lẻ.

Còn tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống cũng đang lo thua lỗ vì giá hàng hóa liên tục tăng, trong khi sức mua yếu, nếu nhập nhiều mà không bán hết sẽ hỏng.

Nhiều tiểu thương cho rằng sẽ khó duy trì hoạt động kinh doanh nếu tình trạng giá các loại hàng từ tươi sống đến hàng khô đều tăng 10-50% so với đầu năm còn kéo dài. Đặc biệt là khi doanh số bán ra tại các chợ giảm 20 -  30% so với đầu năm, thậm chí có sạp giảm tới 50%.

Bạn đang đọc bài viết "Mối lo giữa lúc tỷ giá tăng và lạm phát chưa phải ‘quá nóng’" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#