Một cơn bão tố, đại gia bất ngờ sụt tỷ USD

Nhiều đại gia gây dựng cơ đồ tỷ USD ấn tượng trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, tham vọng giúp doanh nghiệp tăng trưởng thần tốc có thể khiến một số doanh nhân chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh.

Những cú sang tay kỷ lục

Thị trường chứng khoán ngày 30/11 ghi nhận một kỷ lục hiếm có: hơn 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng phía Bắc được giao dịch thông qua khớp lệnh trên Sở GDCK TP.HCM trong chỉ một phiên.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) của chủ tịch Đỗ Quý Hải chứng kiến hơn 165 triệu cổ phần được chuyển nhượng. Đây là một kỷ lục mới về giao dịch của một mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, chỉ trong một phiên, phần lớn vốn của một doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang… đã được đổi chủ. Theo báo cáo, tới cuối năm 2021, ông Hải nắm giữ gần 121,8 triệu cổ phiếu HPX, tương đương hơn 40% vốn. Dragon Capital nắm giữ hàng chục triệu HPX.

Một kỷ lục mới vừa được xác lập: 165 triệu cổ phiếu HPX được chuyển nhượng qua khớp lệnh trong một phiên. (Nguồn: FPTS)

Một kỷ lục mới vừa được xác lập: 165 triệu cổ phiếu HPX được chuyển nhượng qua khớp lệnh trong một phiên. (Nguồn: FPTS)

Tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn nhất này có thể thay đổi mạnh bởi gần đây ông Hải bị các công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu. Phiên 30/11 ghi nhận khối ngoại bán ra hơn 36,2 triệu HPX.

Hồi đầu tháng 1/2022, giới đầu tư cũng chứng kiến kỷ lục chưa từng có. Hơn 40% trong tổng số 710 triệu cổ phiếu FLC lưu hành được trao tay sau 2 phiên ngày 10-11/1.

Kỷ lục của FLC diễn ra sau thông tin cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC.

Đại gia mất tỷ USD

Ở vào thời kỳ cao điểm, khối tài sản của gia đình ông Hải đạt 5.000-6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại tài sản quy từ cổ phiếu HPX có thể giảm mạnh bởi giá cổ phiếu này đã giảm gần 80% và số lượng cổ phiếu của ông Hải cũng giảm do bị bán giải chấp.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát triển nhanh nhưng tài sản và nợ cũng tăng mạnh. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát triển nhanh nhưng tài sản và nợ cũng tăng mạnh. (Ảnh: Hoàng Hà)

Thị trường hôm 29/11 cũng ghi nhận Bất động sản Phát Đạt (PDR) lần đầu tăng trần sau 17 phiên giảm sàn liên tiếp. Tuy nhiên, tài sản của chủ tịch Nguyễn Văn Đạt tụt giảm, một phần do cổ phiếu giảm bốc hơi gần 80% và một phần do bị các CTCK bán giải chấp.

Với khoảng 300 triệu cổ phiếu PDR, ông Nguyễn Văn Đạt từng có tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 7.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây có dư nợ trái phiếu khá lớn và rơi vào tình trạng khó khăn khi mà kênh huy động vốn này bị siết chặt lại các quy định để phát triển bền vững.

Giám đốc môi giới một CTCK cho biết, thị trường trái phiếu có dấu hiệu hồi phục. Trên TTCK tâm lý bi quan phần nào được gỡ bỏ khi 2 cổ phiếu   PDR sớm giải quyết được câu chuyện thanh khoản. Việc tái cấu trúc tích cực giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro vỡ nợ và phát triển vững chắc hơn.