Điểm sáng ngược
Ngày 7/10/2020, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu của MSB, tương đương với vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng. MSB trở thành một trong số những ngân hàng thương mại còn lại kết thúc cuộc đua lên sàn trong năm 2020 theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019.
Theo báo cáo số liệu hợp nhất 3 quý năm 2020, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt kế hoạch của cả năm 2020 (1.439 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019. Tổng tài sản của MSB tính đến hết quý III vượt mốc 166.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 98% kế hoạch năm 2020 (170.000 tỷ đồng). Thêm vào đó, ngày 2/10, MSB cũng thông báo đã hoàn tất xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC trước đây, giá trị mệnh giá trái phiếu đặc biệt VAMC mà ngân hàng đã nắm giữ được đưa về 0 thông qua các biện pháp xử lý nợ.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường hồi cuối tháng 9/2020, MSB đã được cổ đông phê duyệt việc bán cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư hiện hữu và cho người lao động. Cổ phiếu MSB hiện được giao dịch trên sàn phi tập trung OTC với giá gần 12.000 đồng một cổ phiếu, tăng mạnh 50% trong hai tháng trở lại đây. Hết 6 tháng đầu năm, trong khi tiền gửi huy động từ khách hàng tăng gần 3%, dư nợ cho vay của MSB tăng trưởng hơn 10% so với hồi đầu năm. Trong khi nhiều ngân hàng ghi nhận mức lãi tăng thấp so với cùng kỳ vì khó tìm đầu ra tín dụng và phải tăng trích lập dự phòng, thì lãi sau thuế nửa đầu năm của MSB tăng hơn 65% so với cùng kỳ, lên gần 775 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 22/5, trong phiên họp thường niên, ban lãnh đạo MSB đề nghị cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị rút hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE vì cho rằng bối cảnh kinh tế, triển vọng thị trường tài chính có thể chịu nhiều ảnh hưởng bởi Covid-19, lo lắng mức định giá khi niêm yết thấp hơn giá trị nội tại, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Thoát nợ xấu nhờ… COVID?
Dường như đây không phải là lý do thuyết phục các nhà đầu tư, khi trên thực tế, giá cổ phiếu của một số ngân hàng niêm yết vẫn khá ổn định, bất chấp dịch Covid. Việc MSB rút niêm yết đã nộp từ hồi cuối năm 2019 lên sàn HoSE đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà đầu tư vì trên thực tế lý do gây tổn thất, quyền lợi của nhà đầu tư không nằm trong việc giá cổ phiếu tăng giảm trong ngắn hạn mà ở cơ chế giám sát và minh bạch thông tin. Giá cổ phiếu khởi điểm không quan trọng bằng quá trình phát triển của ngân hàng và mang lại những giá trị tương xứng. Đồng thời, năm 2019 kết quả kinh doanh của MSB là rất tích cực, lợi nhuận để lại còn gần 900 tỷ đồng nhưng MSB không chia cổ tức mà nhằm mục đích để tái đầu tư và thực hiện xử lý xong nợ xấu tại VAMC.
Trong khi nhiều ngân hàng sụt giảm tăng trưởng tín dụng và huy động do dịch bệnh Covid-19, thì tăng trưởng cho vay của MSB đạt gần 65,7 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2019, trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 44%, cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng hơn 31%. Tuy nhiên, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác lại giảm tới 18,5%, xuống còn hơn 16,7 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn trong 3 tháng đầu năm tăng 24,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 81 nghìn tỷ.
Trong quý I/2020, MSB vẫn còn hơn 1.432 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,18% trên tổng dư nợ, so với mức 2,04% hồi đầu năm. Nguyên nhân khiến nợ xấu tăng mạnh cũng đến từ việc ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, thông qua việc hỗ trợ cơ cấu lại nhóm nợ, điều chỉnh thời gian trả nợ và lãi theo thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, MSB tung gói tín dụng 7.000 tỷ với lãi suất ưu đãi 6,99% cho khách hàng.
Cũng như nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của MSB giảm nhờ vào kịch bản tích cực triển khai việc cơ cấu nhóm nợ, điều chỉnh thời gian trả nợ và lãi theo Thông tư 01 của NHNN. Tuy nhiên, một kịch bản khác không thể loại trừ, nợ xấu có thể tăng cao vào cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, khi MSB đã lên sàn HoSE và vấn đề tăng tốc xử lý toàn bộ nợ xấu sẽ không thể tăng tốc vì áp lực dịch Covid-19 như vừa qua.
Ngoài ra, một vấn đề về chất lượng sử dụng nguồn tiền của MSB ghi nhận nhiều con số âm như lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 5.813 tỷ đồng; chi phí hoạt động âm hơn 1.559 tỷ đồng; tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý âm hơn 1.256 tỷ đồng; chí phí thuế thu nhập doanh nghiệp âm gần 200 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ, ghi nhận âm hơn 5.829 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 16.076 tỷ đồng…