Năm 2023, Trung Quốc có thể sẽ lần nữa giải cứu nền kinh tế toàn cầu

Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại. Giữa lúc các nền kinh tế lớn ở phương Tây mấp mé bờ vực suy thoái, sự phục hồi của đất nước tỷ dân có thể là tin vui cho tăng trưởng năm 2023.

Bị tụt lại phía sau

Năm 2009, Trung Quốc đã có công giải cứu nhiều nước khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trở thành động cơ tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế thế giới.

Bước sang nửa cuối thập niên 2010, do khối nợ lớn và tăng trưởng năng suất chững lại, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào giai đoạn giảm tốc mạnh nhất kể từ những năm 1970.

Sau đó, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, cùng các chiến dịch của Bắc Kinh nhằm kiểm soát đòn bẩy trong ngành bất động sản, đã khiến quỹ đạo của nền kinh tế tỷ dân xấu đi.

Financial Times nhận xét rằng trên khía cạnh tăng trưởng, Trung Quốc đã từ “con rồng” châu Á trở thành “con rùa”. Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ nước này được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn các quốc gia còn lại trong khu vực.

Triển vọng của nền kinh tế tỷ dân bị đè nặng bởi các yếu tố như thị trường bất động sản lao dốc, dịch bệnh tái bùng phát, chính sách Zero COVID hà khắc bóp nghẹt hoạt động sản xuất và nhu cầu của thế giới dành cho hàng hoá Trung Quốc chững lại.

Mặt khác, chiến dịch tăng lãi suất để khống chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã hút dòng vốn từ Trung Quốc về Mỹ, gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ (NDT) và hạn chế dư địa của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Cùng với chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của phương Tây là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này khiến xuất khẩu - một trong ba trụ cột kinh tế của Trung Quốc - bất ngờ suy yếu trong tháng 10, lần đầu tiên trong hơn hai năm qua.

Tính chung ba quý đầu năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 3%. Trung Quốc khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5%, trừ khi GDP quý IV nhảy vọt hơn 10%. 

World Bank (WB) dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm mạnh từ mức 8,1% năm 2021 xuống còn 2,8% trong năm 2022.

tang-truong-gdp-trung-quoc-1672893491.png

Trở lại sân chơi

Dù 2022 có nhiều thăng trầm, năm 2023 vẫn hứa hẹn sự trở lại của Trung Quốc trên sân chơi kinh tế. Bằng chứng là các gói tài khoá mà Bắc Kinh công bố hồi mùa hè vừa qua, cùng loạt tín hiệu sau đại hội đảng để tháo gỡ hai nút thắt lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, vào cuối tháng 8, Trung Quốc đã ban hành gói chính sách gồm 19 điểm, trong đó dành ra 300 tỷ NDT cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Đây là khoản chi bổ sung cho gói ngân sách 300 tỷ NDT công bố hồi cuối tháng 6. Chính quyền các địa phương còn được cấp thêm 500 tỷ NDT dưới dạng trái phiếu đặc biệt. 

Đến tháng 11, giới chức Bắc Kinh đã quyết tâm chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản bằng một gói giải pháp 16 điểm. Trong đó, Bắc Kinh chủ trương xử lý các khó khăn thanh khoản của doanh nghiệp nhà đất và “tạm thời” nới lỏng hạn chế đối với việc vay vốn ngân hàng để mua nhà.

Tiếp đến, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,25 điểm % đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 5/12. Ngoài ra, các ngân hàng lớn còn cam kết cung cấp các khoản vay trị giá 1.280 tỷ NDT (gần 180 tỷ USD) cho doanh nghiệp bất động sản.

Chia sẻ với SCMP, các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ khi tác động từ chu kỳ tăng lãi suất của Fed kết thúc trong năm 2023.

Trên mặt trận chống dịch, Bắc Kinh đã nới lỏng chiến lược Zero COVID từ đầu tháng 12 và thông báo sẽ chính thức mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán Trung Quốc có thể sẽ kết thúc chiến lược Zero COVID trước tháng 4/2023. Song, quá trình mở cửa của đất nước tỷ dân sẽ diễn ra không suôn sẻ do số ca bệnh tăng mạnh trên toàn quốc. 

Mặt khác, với một thị trường nội địa hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng. Tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng một nửa GDP, khá thấp so với mức trên 70% của các nền kinh tế phát triển.

Khi các hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và quá trình mở cửa kinh tế tăng tốc, niềm tin người tiêu dùng sẽ có cơ hội phục hồi.

Đến nay, các công ty đa quốc gia vẫn rất lạc quan với triển vọng dài hạn của Trung Quốc. Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường tỷ dân đã tăng 15,6% lên 1.000 tỷ NDT, xác lập thêm một năm kỷ lục.

Nhìn chung, khi một trong hai hoặc cả hai điểm nghẽn lớn được tháo gỡ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bật dậy trong năm 2023.

WB dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt 4,5%. OECD lưu ý trong dự báo tháng 9 rằng “các hỗ trợ chính sách từ Bắc Kinh có thể giúp tăng trưởng phục hồi trong năm 2023”.

gdp-the-gioi-1672893558.png

Bệ đỡ cho kinh tế toàn cầu

Sang năm 2023, sự vực dậy của Trung Quốc sẽ là tin vui cho nền kinh tế thế giới. So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đóng góp của Trung Quốc vào GDP và tăng trưởng toàn cầu hiện nay đã lớn hơn.

Theo WB, trong giai đoạn 2013 - 2021, tỷ trọng của Trung Quốc vào tăng trưởng GDP toàn cầu đạt trung bình 38,6%, cao hơn các nước G7 cộng lại.

Sang năm 2023, IMF ước tính, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng toàn cầu sẽ cao hơn ba lần so với Mỹ. Dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, IMF dự đoán nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1%. Khu vực EU dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 0,5%.

Điểm sáng hàng đầu là Ấn Độ gần như không thể bù đắp cú giảm tốc kinh tế của phương Tây. Vì vậy, hy vọng lớn của IMF đặt vào Trung Quốc.

Để phục hồi nền kinh tế nội địa và giúp nền kinh tế toàn cầu sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008, Trung Quốc đã triển khai gói kích thích trị giá 4.000 tỷ NDT, tương đương 27% GDP quốc gia.

Xét theo tỷ lệ tương đối với nền kinh tế, đây là gói chi tiêu tài khoá lớn nhất thế giới thời điểm đó, gấp ba lần quy mô kích thích của Mỹ, theo OECD.

Nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc đã tạo nền tảng cho cuộc phục hồi ở các nước như Brazil và Đức. Một số quốc gia như Australia cũng tránh được suy thoái nhờ vào hoạt động thương mại với đất nước tỷ dân.

Tăng trưởng GDP thế giới đã đảo chiều ngoạn mục từ mức -1,3% năm 2009 lên gần 4,5% trong năm 2010 và liên tục duy trì ở mức dương trong nhiều năm sau.

ty-trong-trong-nhap-khau-1672893668.png

Bước qua năm 2023, Trung Quốc được dự đoán là sẽ lần nữa tăng cường kích thích cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khác với trước kia, các nhà hoạch định chính sách đang nhắm tới số hoá và năng lượng tái tạo.

Từ các thông báo chính thức, Bloomberg ước tính Bắc Kinh có thể sẽ bơm khoảng 6.800 tỷ NDT (tương đương 1.000 tỷ USD) vào các dự án hạ tầng.

Để đáp ứng tham vọng trên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá công nghiệp và dịch vụ, đồng thời xúc tiến các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Theo số liệu từ OECD, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng giá trị dòng vốn FDI ra nước ngoài của thế giới (outward FDI) đã tăng hơn 6 lần, từ mức 3,3% năm 2008 lên 20,2% năm 2020.

Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của Goldman Sachs dự đoán, việc Trung Quốc mở cửa nhiều khả năng sẽ là một động lực lớn cho thị trường hàng hoá, khi nhu cầu khởi sắc, đặc biệt là ở nhóm năng lượng.

Ở báo cáo khác, S&P Global ước tính sản lượng quặng sắt, nguyên liệu chính để luyện thép, sẽ tăng 3,5% so với năm 2022 lên 238 triệu tấn khi các dự án xây dựng mới được triển khai.

Tóm lại, nếu Trung Quốc củng cố được lĩnh vực bất động sản, dần dần loại bỏ chính sách Zero COVID và đẩy mạnh chi tiêu tài khoá, nền kinh tế tỷ dân sẽ có cơ hội phục hồi trong năm 2023.

Có thể Trung Quốc sẽ không tăng trưởng vượt bậc như trong quá khứ, nhưng vẫn sẽ là trụ đỡ cho nền kinh tế toàn cầu khi các nước phát triển bên kia bán cầu đi xuống.

fdi-1672893737.png