Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời với phương châm 'bốn tại chỗ'
Đây là chỉ thị mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Những năm gần đây, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các địa phương và sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiệt hại do thiên tai năm 2021 thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp; công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng.
Phương châm "bốn tại chỗ" chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai; thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ; công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, không dứt điểm, thiếu nguồn lực; vận hành liên hồ chứa còn bất cập.
Từ đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục bất thường (mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị; rét lịch sử cuối tháng 2/2022, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; động đất liên tiếp tại Kon Tum).
Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó bổ sung các chế tài bảo đảm thực thi pháp luật, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách, đồng thời tạo cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh bảo hiểm rủi ro thiên tai...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" của lực lượng vũ trang; đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm "bốn tại chỗ”.
Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các Bộ, ngành và địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý dứt điểm trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong các tháng đầu năm 2022, mặc dù, chưa bước vào mùa mưa bão nhưng thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như: Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc, đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn trái quy luật, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà với tổng lượng mưa từ 200-600mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).
Đợt mưa, lũ từ đêm 9-10/5, tại khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Cạn có mưa rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 200-300mm. Những đợt mưa, lũ này đã gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản ở nhiều địa phương trên cả nước.
Gần đây nhất, trận mưa chiều ngày 29/5 kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ là một trong những "kỷ lục mưa dông" được thiết lập ở Thủ đô Hà Nội trong vòng 36 năm qua.