Nặng giá vốn, lợi nhuận của Tisco lao dốc

Tốc độ tăng giá vốn cao hơn giá bán khi ngốn tới 3.143 tỷ đồng, do đó lợi nhuận gộp của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) lao dốc gần 90% về vỏn vẹn gần 47 tỷ đồng.
nang-gia-von-loi-nhuan-cua-tisco-lao-doc-1657771568.jpg
Nặng giá vốn, lợi nhuận của Tisco lao dốc

Kỳ này, Tisco chỉ còn phải chi 35 tỷ đồng cho chi phí tài chính, giảm mạnh 65% so cùng kỳ. Đồng thời được hoàn nhập gần 11 tỷ đồng chi phí quản lý, trong khi cùng kỳ khoản mục này tiêu tốn 275 tỷ đồng.

Tisco tiếp tục lỗ từ hoạt động khác hơn 8,5 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 2 tỷ của cùng kỳ. Sau khi trừ các loại chi phí khác, Tisco báo lãi ròng vỏn vẹn gần 6 tỷ đồng, lao dốc 90% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2022, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy Tisco còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Tisco tăng thêm 528 tỷ đồng lên mức 10.855 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh lên 2.048 tỷ đồng, tiền mặt giảm nhẹ xuống 222 tỷ đồng; đặc biệt chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn vẫn treo ở mức 6.192 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư vào dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2, trong đó lãi vay vốn hóa là 2.951 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng 2022 là chi phí lãi vay vốn hóa.

Trong cơ cấu nợ, Tisco đang vay nợ tài chính hơn 4.519 tỷ đồng. Công ty phải ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái âm hơn 180 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của các khoản phải trả, nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tisco âm gần 173 tỷ đồng. Tisco có vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Thép Việt Nam đóng góp 1.196 tỷ đồng (65%), Công ty CP Thương mại Thái Hưng góp 368 tỷ đồng (20%), còn lại là các cổ đông khác.