Năng lực của ông chủ dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang 20 năm và hé lộ mối quan hệ bất ngờ

Dữ liệu của Dân Việt đã phần nào hé lộ về năng lực của ông chủ dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang để trồng cỏ 20 năm. Điều đáng nói, vốn góp của chủ dự án được hình thành từ vốn hoá lãi vay thì khó có khả năng triển khai được dự án lớn như vậy.

Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt ban đầu do Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi; UPCoM: LIC) triển khai. Sau đó Tổng công ty đã lập Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi và chuyển giao sang cho công ty này thực hiện dự án từ ngày 20/7/2016. Nhưng dù là công ty mẹ hay công ty con thì dự án này cũng chỉ thuộc duy nhất về 1 ông chủ.

 

Sự bết bát của Licogi - chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt và hé lộ mối quan hệ bất ngờ

 

Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô Thị Licogi thành lập vào ngày 12/4/2016. Công ty có địa chỉ tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Ngành nghề chính là đầu tư, kinh doanh bất động sản. Cuối năm 2021, Licogi nắm 100% vốn của Công ty Nhà ở và Đô Thị Licogi.

Theo dữ liệu của Dân Việt, giai đoạn 2017-2021 Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi, chủ dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt chưa ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận năm 2017 đạt 81 triệu đồng, năm 2018 đạt 43 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 157 triệu đồng, năm 2020 ghi nhận lãi 96 triệu đồng và đến năm 2021 lãi chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả tăng vọt theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 công ty nợ 153 tỷ đồng; năm 2018 nợ tăng 80% lên 275 tỷ đồng; năm 2019 nợ gần 30% lên 356 tỷ đồng; năm 2019 nợ tăng lên 411 tỷ đồng và năm 2021 nợ tăng 12,6% lên 463 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giai đoạn 2017-2021 là 400 tỷ đồng.

khu-do-thi-moi-thinh-liet-chi-la-bai-dat-hoang-de-co-moc-20-nam-nay-1665396237.jpeg
Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là bãi đất hoang để cỏ mọc 20 năm nay (Ảnh: Quang Anh)

Công ty con làm ăn không mất sáng sủa như vậy nhưng Công ty mẹ là Tổng Công ty Licogi chẳng mấy khả quan khi lợi nhuận hợp nhất sau thuế chỉ vỏn vẹn 6,3 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Licogi lỗ hơn 4,2 tỷ đồng. Kết quả này xem ra cũng đã khả quan hơn rất nhiều so cùng kỳ năm ngoái khi âm hơn 29 tỷ đồng.

Động lực giúp Licogi thoát lỗ chính là nhờ doanh thu tài chính tăng tới 510% lên 266,2 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi vay cũng tăng tới 263% lên 145,4 tỷ đồng. Lợi nhuận khác âm 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu thuần đạt 856,5 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn bán hàng giảm từ 865 tỷ xuống 804,5 tỷ đồng nên lợi nhuận chỉ còn 52,2 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý nhất là tổng tài sản của Licogi đạt 4.224,6 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Đặc biệt, vốn chủ sở hữu của Licogi chỉ đạt 411 tỷ đồng, giảm 13,4% so với đầu năm trong khi đó vốn góp lên tới 900 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lỗ luỹ kế tính đến tháng 6/2022 lên tới hơn 595 tỷ đồng.

Chưa hết, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền âm do hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, lỗ từ hoạt động đầu tư lên tới 267 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ chỉ âm hơn 4,2 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh âm gần 49 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ là 178,4 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính âm hơn 86 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tiền trả nợ gốc vay cao hơn tiền thu được từ vay dẫn đến lưu chuyển tiền tệ trong kỳ âm hơn 4 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này cũng khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái âm tới hơn 104 tỷ đồng.

Không những vậy, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Licogi cũng bị đơn vị kiểm toán nêu rõ về các khoản công nợ phải thu, công nợ phải trả: Tại ngày 01/01/2022 và 30/06/2022, các công ty con của Tổng công ty đang ghi nhận một số khoản phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ cũng như đánh giá tổn thất của các khoản nợ phải thu này.

Cụ thể: Công ty CP Licogi 15: 89,2 tỷ đồng, Công ty CP Lắp máy Điện nước - Licogi: 10,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20: 81,3 tỷ đồng; Công ty CP Licogi 10: 23,2 tỷ đồng,

Bên cạnh đó, tại ngày 01/ 01/2022 và 30/06/2022, tại các công ty con của Tổng công ty ghi nhận một số khoản nợ phải trả, nhưng kiểm toán viên không thể thu thập được các tài liệu cần thiết đề xác định được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của các khoản nợ phải trả này. Cụ thể như sau: Công ty Cổ phần Licogi 16: 109,56 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước Licogi: 9,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20: 162,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phản Licogi 10: 42,8 tỷ đồng.

Giải trình về ý kiến này của kiểm toán, Licogi thừa nhận đó là những tồn tại của các công ty con phát sinh từ lâu. Hiện công ty chưa có khả năng khắc phục do nhiều nguyên nhân như quá trình quyết toán công trình, dự án chưa hoàn thành, phát sinh kiện tụng, khó khăn về tài chính nên việc đối chiếu công nợ với khách hàng gặp khó khăn. Hoặc do các chủ đầu tư, nhà thầu chây ỳ né tránh việc thực hiện đối chiếu công nợ vì sợ bị đòi nợ. Các nội dung này cũng đã được ghi nhận trong ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên tại các BTCT kiểm toán từ năm 2016 đến nay.

Theo thông tin từ Licogi, hiện cổ đông lớn gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước với 36,640,691 cổ phiếu, tương đương 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông sở hữu 31,500,000 cổ phiếu, tương đương 35.0% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 17,312,888 cổ phiếu, tương đương 19.24% vốn điều lệ.

Dù vậy, trong danh sách HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát của Licogi xuất hiện lãnh đạo của Công ty cổ phần tập đoàn Mikgroup Việt Nam (Mikgroup). Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn, Uỷ viên HĐQT Licogi hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mikgroup. Ông Phan Hải Triều, Trưởng ban kiểm soát Licogi hiện là Phó phòng phụ trách phòng kiểm soát Nội bộ Mikgroup. Bà Dương Thị Phượng, thành viên ban kiểm soát Licogi hiện là chuyên viên kiểm soát Nội bộ Mikgroup. Ông Nguyễn Thanh Hợp, Phó tổng giám đốc Licogi hiện là Giám đốc dự án Mikgroup.

 

Licogi góp vốn thành lập công ty con làm chủ dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bằng vốn hoá lãi vay

 

Với năng lực hiện tại của công ty mẹ như vậy thì việc hỗ trợ công ty con triển khai dự án là rất khó. Điều đáng nói, khi lập Công ty TNHH MTV Nhà ở đô thị Licogi, Tổng Công ty Licogi xác định các chi phí lãi vay vốn hóa này là một phần tài sản góp vốn khi thành lập được công ty con.

Tại BCTC soát xét bán niên 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng Công ty Licogi, Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế iCPA đã đưa ra ý kiến ngoại trừ như sau:

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tính đến thời điểm 01/01/2022, Tổng Công ty đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục "Chí phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế là 393,1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Công ty tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn" là 1,4 tỷ đồng.

"Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa lũy kế đến ngày 30/06/2022 là 394,5 tỷ đông. Vì dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên chúng tôi không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án này theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí đi vay (CMKTVN số 16)", công ty kiểm toán nêu rõ.

may-moc-hoen-ri-nam-dap-dong-ben-trong-du-an-khu-do-thi-moi-thinh-liet-bo-hoang-1665396297.jpeg
Máy móc hoen rỉ nằm đắp đống bên trong dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang (Ảnh: Quang Anh)

Đơn vị kiểm toán cũng nêu, đến thời điểm 01/01/2021 Tổng Công ty đã vốn hóa một phần lãi vay của các hợp đồng vay giải ngân với mục đích tài trợ cho dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt là 72, 99 tỷ đồng vào khoản mục "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn", Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ tại ngày 01/01/2022, chỉ tiêu "Chi phi sản xuất, kinh doanh đở dang dài hạn" phản ảnh cao hơn số tiền 72,99 tỷ đồng và chỉ tiêu "B lũy kế đến cuối năm trước" phản ánh thấp hơn số tiền tương ứng.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, Tổng Công ty đã ghi nhận khoản chi phí lãi vay nay vào chỉ tiêu "chi phí tài chính" trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ với giá trị 72,99 tỷ đồng.

Theo đó, trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022, chỉ tiêu "chi phí tài chính" đang phản ảnh cao hơn và chỉ tiêu "lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp" phản ảnh thấp hơn số tiền tương ứng.

Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Licogi cho biết, các chi phí lãi vay vốn hóa liên quan trực tiếp đến dự án này, tuy nhiên dự án kéo dài vì các yếu tố khách quan, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Tổng Công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay liên quan đến dự án mà không tạm dừng vốn hóa chi phí lãi vay.

Đồng thời, khi lập các Công ty con là Công ty TNHH MTV nhà ở đô thị Licogi và Công ty TNHH và MTV Đầu tư và Xây dựng Licogi 2, Tổng Công ty xác định các chi phí lãi vay vốn hóa này là một phần tài sản góp vốn khi thành lập được công ty con.

"Vấn đề này được khắc phục khi Công ty nhà thực hiện kinh doanh dự án, có lợi nhuận, Tổng công ty thu hồi được vốn đã đầu tư", Tổng Công ty Licogi nêu.