Nga nguy cơ khủng hoảng kinh tế sau chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine

Kinh tế Nga sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây do bị phụ thuộc vào đôla, euro, hàng hoá...

Nga đang đối mặt với nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế mới sau khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine. 

Đồng ruble của Nga giảm 10% xuống thấp chưa từng thấy so với đôla và euro trong phiên giao dịch sáng 24/2, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào lãnh thổ của nước láng giềng. 

ruble-1645720451-9995-1645720700.png

Tỷ giá euro so với ruble lên cao kỷ lục. 

Các biện pháp trừng phạt kinh tế gay gắt từ phương tây là điều chắc chắn mà Nga phải hứng chịu. Các lãnh đạo của Mỹ và châu Âu họp khẩn cấp vào ngày 25/2 để thống nhất cách phản ứng với điều mà Tổng thống Joe Biden gọi là "sự hung hăng thô bạo" của Moscow. Ở phía Nga, Điện Kremlin khẳng định nền kinh tế của họ được bảo vệ tốt trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phương tây và thiệt hại kinh tế theo sau. 

Nga tự tin đứng vững trước làn sóng trừng phạt

Chính phủ Nga cho biết họ đã xây dựng ngân sách công đáng kể, hơn 630 tỷ USD, và tin rằng chừng đó đủ để bảo vệ nền kinh tế trước kịch bản tồi tệ nhất là rơi vào khủng hoảng. Nước này cũng ghi nhận thặng dư hàng năm, có nghĩa là họ không cần phải vay tiền mặt trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Nợ công cũng chưa đến 20% GDP. 

Nga cũng từng nhắc đến thành công trong nỗ lực tự cung tự cấp hàng hoá kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Có được điều đó chủ yếu nhờ chính phủ tập trung phát triển ngành nông nghiệp sau khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU. 

Sáng 24/2, Sberbank, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và hiện là tổ chức tài chính lớn nhất và quan trọng nhất của Nga, tuyên bố lạc quan rằng họ đã sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến mới nào của cuộc xung đột Nga – Ukraine.

“Ngân hàng đã thảo luận các kịch bản có thể xảy ra để đảm bảo nguồn lực, tài sản và quyền lợi của khách hàng được bảo vệ”, tổ chức này cho hay. Trên thực tế, Sberbank lâu nay vẫn được mệnh danh là "pháo đài của Nga". 

Tuy nhiên, giới phân tích không tin rằng nhiêu đó là đủ cho Nga khi phải đối mặt với một động thái có thể là chưa từng có đến từ phương Tây và sẽ dẫn đến những hậu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn.

“Với mức độ nghiêm trọng của hành động vừa rồi (thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine), chúng tôi dự đoán các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ còn đi xa hơn kế hoạch tồi tệ nhất của họ, tức là Nga có thể bị trục xuất khỏi hệ thống tài chính SWIFT. Đường ống Nord Stream 2 cũng có thể bị trì hoãn vô thời hạn”, ông Henry Rome đến từ Eurasia Group cho hay. 

Bị loại khỏi nền kinh tế thế giới

Một số ngân hàng quốc doanh lớn có khả năng bị trừng phạt và bị loại khỏi nền kinh tế thế giới. Washington và Brussels trước đó cũng nhấn mạnh khả năng cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga, một biện pháp trừng phạt có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của nước này, bởi họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào phần cứng và phần mềm của phương Tây để hoạt động. 

Bất chấp nỗ lực phi đôla hoá tích cực của Moscow trong những năm gần đây, hơn một nửa hàng xuất khẩu của Nga vẫn được định giá bằng đồng USD, theo số liệu thống kê do Viện Nghiên cứu Kinh tế chuyển đổi của ngân hàng trung ương Phần Lan. 30% số còn lại được tính bằng euro vì các đối tác kinh tế của Nga, chủ yếu là người mua dầu và khí đốt, từ chối chuyển sang sử dụng đồng nội tệ của nước này, ruble. 

Điều đó khiến kinh tế Nga vẫn chịu nhiều ảnh hưởng khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu khả năng giao thương của Moscow trong nền kinh tế thế giới. 

lam-phat-nga-jpeg-1645720637-9414-164572

Lạm phát của Nga đang cao nhất 6 năm ở 8,7%. Ảnh: Reuters

Còn trong nước, đà lao dốc của ruble sẽ càng gây áp lực lớn hơn đối với nền kinh tế Nga vốn đang gặp khó. Lạm phát đang cao nhất 6 năm, ở 8,7% và tình hình tài chính của các hộ gia đình cũng trong tình trạng tồi tệ hơn 10 năm trước. Theo kết quả khảo sát gần đây của một công ty thăm dò ý kiến thuộc sở hữu nhà nước, gần 2/3 hộ gia đình ở Nga cho biết họ không có tiền tiết kiệm. 

Tiến thoái lưỡng nan với lạm phát và lãi suất

Sự mất giá của ruble sẽ gây ra cuộc khủng hoảng về mức sống, trong đó, giá cả mọi thứ đều bị đẩy lên cao đáng kể. Theo một nghiên cứu, hàng hoá nhập khẩu chiếm khoảng 75% những sản phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất các mặt hàng được bán hàng ngày ở Nga. 

Vì vậy, ngân hàng trung ương Nga sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan quen thuộc: phải tìm cách “hạ nhiệt” lạm phát mà không gây tác động đến nền kinh tế. Giới phân tích cho rằng cơ quan này sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát giống như năm 2014, khi kinh tế Nga đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn sau khi sáp nhập Crimea và giá dầu toàn cầu sụp đổ. 

Sáng 24/2, cơ quan quản lý của Nga phải can thiệp trên thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng ruble đang lao dốc cũng như kích thích thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng. 

Lãi suất ở Nga hiện là 9,5% và được dự báo tăng lên 11% hoặc cao hơn trong những tuần tới. Chi phí đi vay tăng chắc chắn sẽ gây tổn hại đến doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Nga, do phần lớn đang vay nợ quá nhiều sau một thập kỷ kinh tế đình trệ. 

Chuyên gia phân tích Levon Kameryan của Scope Ratings nhận định rằng căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây leo thang cũng có thể dẫn đến làn sóng rút vốn. Người dân Nga sẽ tìm cách bảo vệ các tài khoản tiết kiệm và tài sản của họ khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập. 

Siết dòng chảy năng lượng nhưng mất nguồn thu ngân sách

Ẩn số quan trọng để đánh giá phạm vi thiệt hại kinh tế chính là dòng chảy năng lượng. Gần 2/3 lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga chảy sang châu Âu và khoảng một nửa doanh số bán dầu thô là nguồn thu khổng lồ của nước này trong vài năm gần đây. 

Ngày 23/2, Đức cho biết họ có đủ năng lượng trong kho dự trữ để vượt qua mua đông nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Hiện tại, có rất ít đồn đoán cho rằng châu Âu quyết định ngừng mua năng lượng của Nga, song lại xuất hiện những lo ngại về việc Nga có thể đóng đường ống hoặc cố tình thắt chặt nguồn cung sang châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là khi ông Putin xem đối ngoại chỉ là ưu tiên thứ hai. 

Xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu mang về 90 tỷ euro mỗi năm, Scope Ratings ước tính. Các nhà phân tích cho biết dù Nga có cố tình làm gián đoạn nguồn cung, một hành động sẽ dẫn tới mất nguồn thu cho đất nước, thì nó chỉ càng khiến châu Âu tăng cường tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu khí của nước này.