Nga-Ukraine: Xung đột về đâu?

29/04/2022 17:33

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 nay đã bước sang tháng thứ ba và là tuần thứ hai triển khai giai đoạn hai.

Tòa nhà bị cháy ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP)

Nga tuyên bố mục tiêu của giai đoạn này là kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam và vùng Donbass, miền Đông nước láng giềng. Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, tập trung nỗ lực vào vùng Donbass ở Đông và Nam Ukraine, tạo thành hành lang phía Đông nối Nga, qua Crimea, tới Donest và Lugansk, cũng như thông hành lang trên bộ từ miền nam Ukraine đến vùng ly khai Transnistria thuộc Moldova-nơi có 1.500 lính gìn giữ hòa bình Nga đồn trú.

Khu vực miền Đông được coi là lợi thế hơn cho Nga triển khai chiến dịch quân sự khi quân đội và các lực lượng thân Nga chiếm ưu thế tại đây. Miền Nam Ukraine lại thuận tiện đường tiếp tế nhân lực, vũ khí, hậu cần... Quân Nga vừa có vị Tư lệnh mới được bổ nhiệm, vốn có bề dày kinh nghiệm chiến đấu ở Syria, lại nguyên là Tư lệnh Quân khu phía Nam Nga.

Trong khi đó, quân Ukraine gặp bất lợi so với giai đoạn đầu xung đột khi phải phòng ngự trên địa hình bằng phẳng, ít đô thị che chắn. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng cảnh báo về những tuần “cực kỳ khó khăn” trước mắt.

Cuộc chiến ở Donbas sẽ khốc liệt hơn, đau thương hơn, nhưng sẽ định hình kết quả và hướng kết thúc cuộc chiến này.

Một số nhà phân tích cho rằng Nga đặt mục tiêu tuyên bố chiến thắng vào dịp kỷ niệm chiến thắng phát xít ngày 9/5. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự thế giới nhận định cuộc xung đột quân sự có thể kéo dài tới tháng Sáu hoặc tháng Bảy năm nay trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đẩy mạnh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, thậm chí sẽ tiếp tục âm ỉ, dai dẳng ở phía Đông Ukraine.

Dẫu sao, cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine đã tác động lâu dài tới cấu trúc an ninh khu vực và thế giới. NATO không tấn công Nga, không lập vùng cấm bay ở Ukraine, nhưng Mỹ và phương Tây muốn bóp nghẹt nền kinh tế Nga để chặn nguồn cung cho xung đột vũ trang tại Ukraine.

Tuy trừng phạt kinh tế có thể gây khó khăn cho Nga về kinh tế, nhưng không có khả năng khiến Nga thay đổi chiến lược. Hơn nữa, hiện có những quốc gia tìm cách né tránh giao dịch bằng đồng USD, mà giao dịch trực tiếp với Nga thông qua các phương tiện phi USD hoặc phi ngân hàng, thậm chí giao dịch bằng đồng rouble, đồng rupee, đồng nhân dân tệ hay các loại tiền tệ không phải USD khác.

Mặt khác, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây không chỉ gây tổn hại cho Nga mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, thiếu hụt lương thực, thiếu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu.

EU vẫn chưa thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga trước cuối năm 2023. Các đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ chắc sẽ không vui nếu bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022 gây tổn hại cho đảng bởi lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao bào mòn thu nhập thực tế của cử tri Mỹ. Nhu cầu về năng lượng và ngũ cốc trên thế giới hầu như không đổi. Khi xuất khẩu hai mặt hàng này giảm về số lượng, giá hàng này sẽ tăng lên, nên Nga có thể xuất khẩu ít hơn mà mức thu về vẫn tương đương, thậm chí cao hơn trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói sau chuyến thăm Ukraine cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc như đã từng làm khi tấn công Ukraine”. Mỹ sử dụng cuộc xung đột quân sự này như một cơ hội để phục hồi vai trò lãnh đạo trên “lục địa già”, thiết lập các căn cứ thường trực ở sườn phía Đông NATO.

Trong khi đó, NATO có thể được củng cố, mở rộng bằng cách sớm chào đón Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên. Biên giới trên bộ Nga-NATO sẽ tăng gấp đôi, từ 1.200 km hiện nay, lên tới hơn 2.500 km, đòi hỏi Nga tăng chi phí quốc phòng cũng như bố trí lực lượng phòng thủ rộng lớn hơn.

Đáp lại, Nga có thể tăng cường hoạt động tác chiến an ninh mạng và bố trí lại lực lượng phòng thủ, thậm chí có ý kiến cho rằng Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật như “lá bài” ngăn chặn việc NATO tiến sát biên giới Nga.

Xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động to lớn đến an ninh, chính trị, kinh tế khu vực và thế giới thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết "Nga-Ukraine: Xung đột về đâu?" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#