Chiều 11/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng UBND Tp.HCM tổ chức Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 4, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp Tp.HCM tăng 3%, doanh thu du lịch tăng 7,46%, khách du lịch quốc tế đến Tp.HCM đạt 340 nghìn lượt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 6,2%.
Tăng trưởng tín dụng tháng 4 của Tp.HCM cũng cải thiện so với 3 tháng đầu năm, đồng thời cũng ghi nhận tồn tại, hạn chế. Số doanh nghiệp thành lập mới là 14.752 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 144.568 tỷ đồng, giảm 9,59% về số lượng và 24,79% về vốn đăng ký so với năm 2022. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ, số vốn đầu tư nước ngoài giảm 23,45%.
Dự báo, các tháng còn lại, kinh tế Tp.HCM tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức, doanh nghiệp thành lập mới gặp khó khăn, đầu tư gặp khó khăn trong và ngoài nước. Do đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị NHNN theo dõi, giúp đỡ Tp.HCM trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, sẵn sàng nhận thí điểm các cơ chế, mô hình mới thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra ông còn kiến nghị, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có thêm các gói cho vay mua nhà. Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới có ý nghĩa rất lớn, giúp kích cầu người mua, giúp DN bất động sản tăng thanh khoản, qua đó, kéo theo sự phục hồi và phát triển của nhiều ngành nghề liên quan tới bất động sản.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng do kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, lạm phát quốc tế giảm chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia.
Tổng kết quý 1/2023, tăng trưởng kinh tế cả nước sụt giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư… vẫn còn gặp khó khăn, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi.
Riêng tại khu vực Đông Nam bộ năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.
Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, mặc dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành, nhưng với mức lãi suất cho vay từ 10-11% như hiện nay (giảm khoảng 1% so với đầu năm), nhiều DN cũng không "thiết tha" vay vốn do không có đơn hàng, hoặc với lãi suất như vậy, DN làm ăn không có lãi thậm chí âm vốn, nên cũng e dè không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM phản ánh gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản.
Doanh nghiệp ngại tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, do nhu cầu tín dụng và ngại vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng. Đối với bất động sản, do người mua ngại vay, mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà.
Theo thống kê từ NHNN, tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý 1/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,61%).
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, từ đầu năm 2023, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp , song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp. Nguyên nhân là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp đối với nhóm bất động sản.
Theo số liệu các năm trước, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng, tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án.
Do đó, để hỗ trợ cho DN và người dân, về tín dụng, NHNN chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
NHNN thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.