Ngân hàng 'gồng' nợ xấu vì Covid-19 ra sao?

Trong bối cảnh chất lượng các khoản vay tái cấu trúc vì Covid-19 vẫn còn gây tranh cãi, các ngân hàng không chỉ tăng cường thu hồi nợ mà còn đẩy mạnh xây dựng 'bộ đệm' dự phòng ngày càng lớn hơn.

Nợ xấu nội bảng tăng không nhiều

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các khoản vay của nhà băng, nhưng nhờ chính sách tái cấu trúc các khoản nợ xấu cũng như tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong năm qua không tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 của ngành ước vào khoảng 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% trong năm 2020.

Về mặt số liệu, ghi nhận ở nhiều ngân hàng thương mại cho thấy sơ bộ nợ xấu đã tăng lên đáng kể trong năm 2021. Chẳng hạn, số nợ xấu của VPBank đã tăng 60% so với năm 2020, đẩy tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này lên đến mức 4,5%. Số nợ này chủ yếu đến từ các khoản vay tiêu dùng, đặc biệt là từ công ty con FE Credit, còn ở ngân hàng mẹ thì tỷ lệ nợ xấu lại giảm.

Không chỉ có VPBank, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận số dư nợ xấu tăng vọt, chẳng hạn như Techcombank (77%), VIB (57%), ACB (52%), Vietinbank (50%), HDBank (43%)…

Tuy nhiên, phía ngược lại, cũng có ngân hàng giảm số dư nợ xấu, chẳng hạn như BID (giảm 38%), TPBank (19%), SHB (8%), Eximbank (11%), Sacombank (1%).

Trong năm ngoái, nhóm các ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng nổ tập trung chủ yếu ở phân khúc cá nhân, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có sức chống chịu thấp.

Theo ông Quản Trọng Thành, chuyên gia phân tích Maybank Investment Bank (MIB), xu hướng nợ xấu theo báo cáo ở các nhà băng tăng cả về con số tuyệt đối và tỷ lệ tương đối hiện vẫn là những con số hợp lý. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ở hầu hết các nhà băng vẫn duy trì ở mức bình thường và mức khá.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo hiện có thể tăng lên gấp đôi, nhưng vẫn ở mức được đánh giá là “bình thường”, thấp hơn mức đánh giá “tốt” theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nguyên nhân vì tỷ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng đã duy trì ở mức tương đối thấp trước thời điểm dịch Covid-19, thậm chí một vài ngân hàng ở mức rất thấp (chỉ khoảng 0,4-0,6%).

Dù vậy, chất lượng tài sản thực tế của các nhà băng trong năm qua vẫn còn là một dấu hỏi, dẫn đến nhiều tranh luận.

Dư nợ xấu (NPLs) và tỷ lệ nợ xấu (NPL rate) ở nhiều ngân hàng đã tăng mạnh so với năm ngoái. Nguồn: Maybank Investment Bank.

Theo ước tính của NHNN, nếu tính cả các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn, thì tỷ lệ lên tới 3,79%. Còn nếu xem xét cả những khoản nợ đang thực hiện tái cơ cấu vì dịch Covid-19 theo Thông tư 01, 03 và 14 thì tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến mức 8,2%.

Đánh giá của những người trong cuộc vẫn cho rằng rủi ro nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng vẫn còn rất lớn. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết, nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.

Đặc biệt, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt vốn trung dài hạn, vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nếu tính cả những khoản nợ đang “nằm chờ” tái cơ cấu vì Covid-19 thì tỷ lệ nợ xấu của ngành ước tính cũng sẽ ngang bằng với giai đoạn 2016-2017, trong khi “lớp đệm” xử lý nợ của các nhà băng nay đã khác trước rất nhiều cũng như các chính sách hỗ trợ thu hồi nợ đã khác trước.

“Lớp đệm” tăng mạnh

Ngoài những con số nợ xấu báo cáo, một phản ứng trước nợ xấu của nhà băng trong năm qua là tăng tốc trích lập dự phòng. Tính đến cuối năm 2021, nhiều ngân hàng đã dựng “bộ đệm vốn” cho các khoản cho vay rủi ro lên mức rất cao, cũng nhờ vào mức lợi nhuận ghi nhận lên mức rất cao của các nhà băng trong năm qua.

Trong năm ngoái, tỷ lệ bao phủ khoản vay (Loan-loss Coverage Rate – LLCR) đã lên mức cao nhất trong lịch sử, bình quân khoảng 145%, tức cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước, theo số liệu của MIB.

Điển hình trong số này các ngân hàng lên mức cao kỷ lục như Vietcombank (424%) hay MB (268%). Trong xu hướng này cũng có thể thấy sự cải thiện tỷ lệ đáng kể nằm ở nhóm ngân hàng quốc doanh (như Vietinbank hay BIDV), cũng như ở khu vực ngân hàng thương mại cổ phần từng duy trì mức tỷ lệ này ở mức trung bình trong nhiều năm qua như Sacombank, VPBank hay LienVietPostBank.

Tỷ lệ LLCR tăng cao giúp ngân hàng giảm lo về nợ xấu. Nguồn: Maybank Investment Bank.

Việc tăng lớp đệm được xem là chiến lược trọng yếu ở nhiều ngân hàng trong thời gian qua, thậm chí có người đặt câu hỏi có cần thiết phải tăng nhiều đến như vậy?

Trên thực tế, trích lập cao không chỉ thể hiện thái độ lo ngại về nợ xấu trong tương lai, nhưng còn có ý sâu xa hơn, đó là đảm bảo cho chất lượng tài sản và sự tăng trưởng về mặt lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay, khi thu hồi được khoản nợ vay tái cơ cấu. Đặc biệt, điều này cũng làm yên lòng giới đầu tư, giúp cổ phiếu được “ưu ái” hơn.

Về phía các ngân hàng, việc cải thiện chất lượng tài sản còn được kỳ vọng từ khả năng phục hồi của các khoản nợ xấu.

Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết khả năng phục hồi của thị trường tốt hơn nhiều so với dự đoán trước đó. “Sau 6 tháng kể từ khi được VPBank cấu trúc nợ lần 1, có hơn 80% khách hàng đã phục hồi, có thể trả nợ lại bình thường và chỉ chưa tới 20% cần hỗ trợ tái cấu trúc nợ lần 2”, ông Vinh cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, mới đây cũng cho hay dự kiến trong quí 1-2022, ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 1% khi thu hồi được các khoản nợ xấu của năm ngoái. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2021 là ở mức 1,15%, còn tỷ lệ nợ cơ cấu trên tổng dư nợ cho vay là khoảng 3%.

Theo Công ty chứng khoán SSI, tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu sẽ đi theo sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay. Ngoài ra, các chính sách cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến chất lượng tài sản ngân hàng.

Hiện tại, các ngân hàng đang đối mặt với rủi ro chính sách là Thông tư tái cơ cấu nợ xấu vì Covid-19 có thời hạn đến cuối tháng 6, cũng như Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực trong năm nay.

Hiện NHNN đang kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết 42 để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề xuất xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu. Ngoài ra, các chính sách khác như dự thảo Thông tư đánh giá tổ chức tín dụng, hay khả năng thắt chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như kiểm soát các khoản vay bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản ngân hàng, theo SSI.