Tính đến giữa tháng 11/2022, nhiều ngân hàng đã đưa mức lãi suất huy động lên trên mức 9%/năm. So với thời điểm đầu năm 2022, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng đến 3 điểm phần trăm.
Dù không còn huy động ở mức đỉnh 11%/năm nhưng nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất đầu vào ở mức cao. Hiện có hơn 10 ngân hàng đưa lãi suất lên cao nhất ở 9,9%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, gửi tiết kiệm online, theo gói đặc biệt hoặc gửi với số tiền lớn.
Cao nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) với lãi suất cao nhất lên đến 9,9%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng. Theo sau là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với mức lãi suất cao nhất lên đến 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói "Tiết kiệm tăng bảo vệ - thêm tích lũy", kỳ hạn 36 tháng.
Dù có quy mô khá “khiêm tốn”, nhưng Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng tham gia vào cuộc đua này. Từ giữa tháng 11/2022, khách hàng gửi tiết kiện tại NCB tại các kỳ hạn 12-60 tháng (nhận lãi cuối kỳ) đều được hưởng lãi suất trên mức 9%/năm. Cụ thể, với kỳ hạn 12 và 13 tháng là 9,05%/năm, các kỳ hạn còn lại đều là 9,1%/năm.
Với khách hàng gửi tiết kiệm lần đầu tại NCB sẽ được cộng thêm 0,2% so với biểu lãi suất trên. Các mức lãi suất trên chỉ áp dụng khi gửi qua hình thức online với gói tiết kiệm An Phú. Đáng chú ý, các gói tiết kiệm từ 6 tháng trở lên, nhưng khách hàng rút tiền sau 1 tháng cũng được hưởng lãi suất trên 8,5%/năm. Sự linh hoạt này giúp khách hàng thuận tiện hơn khi gửi và rút tiền, nhưng nó cũng cho thấy phần nào tình cảnh khó khăn về tín dụng của NCB.
NCB đang có vốn chủ sở hữu 5.600 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, NCB là ngân hàng duy nhất báo lỗ hơn 180 tỷ đồng, khoản tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ và đạt 6.334 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà tiền gửi khách hàng chảy vào NCB bị giảm đi.
NCB còn giành luôn vị trí ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay cao nhất hệ thống với tỷ lệ 14,7% vào cuối quý 3/2022, tăng nhanh so với mức 11% vào cuối quý 2/2022. Số nợ xấu đến cuối quý 3/2022 của ngân hàng này là hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm.
Dù là ngân hàng làm ăn “bết bát” nhất trong hệ thống nhưng NCB đang ra sức tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Vào giữa tháng 9/2022, NCB đã tăng vốn thêm 1.500 tỷ để đạt mức 5.600 tỷ đồng như hiện nay.
Năm 2022, NCB đặt mục tiêu đạt 1 triệu khách hàng, tổng tài sản tăng lên mức 78.000 tỷ đồng. Đồng thời, NCB cũng đặt kế hoạch tái cấu trúc toàn diện chất lượng tài sản, tập trung xử lý nợ có vấn đề theo đúng kế hoạch tại phương án cơ cấu lại.
Tổng tài sản của NCB đến cuối quý 3/2022 đã hoàn thành kế hoạch nói trên, tăng 6% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương gần 3.000 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 5.000 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền cuối kỳ của NCB ở mức hơn 9.600 tỷ đồng.