Ngành bất động sản Trung Quốc với những vấn đề khó giải

Chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm giải cứu ngành bất động sản nhưng vẫn còn rất nhiều hệ lụy dài hạn mà nước này phải đau đầu.

Hơn một năm sau khi Evergrande - một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - bắt đầu sụp đổ, rắc rối đã lan khắp các thành phố trên cả nước.

Hàng chục nhà phát triển bất động sản không trả được nợ, doanh số bán nhà sụt giảm theo hàng tuần trong khi nhiều dự án xây dựng vẫn còn dở dang.

Theo New York Times, tình hình ngành bất động sản tại nước này đã trở nên tồi tệ đến mức Chính phủ Trung Quốc - vốn vẫn luôn đứng ngoài cuộc khủng hoảng - phải ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, và cố gắng giảm thiểu thiệt hại trong nền kinh tế nhiều nhất có thể.

 Chính phủ Trung Quốc đã quyết định giải cứu ngành bất động sản. Ảnh: New York Times.

Chính phủ Trung Quốc đã quyết định giải cứu ngành bất động sản. Ảnh: New York Times.

Hỗ trợ từ Chính phủ

Từ lâu, ngành bất động sản vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi các hoạt động khai thác và xây dựng nhà ở đóng góp khoảng 1/4 GDP nước này, thì các khoản vay ngân hàng của ngành cũng có tỷ trọng tương tự.

Bên cạnh đó, đối với các hộ gia đình Trung Quốc, tài sản nhà ở cũng chiếm tới hơn 60% tổng tài sản của họ. Trong suy nghĩ của nhiều người, mua nhà đất là cách an toàn nhất để xây dựng sự giàu có.

Chính vì vậy, khi đại dịch Covid-19 ập đến kèm theo nhiều hệ lụy khác, thị trường bất động sản trong nước sụp đổ đã khiến gánh nặng tài chính của nhiều hộ gia đình tăng cao. Thiếu nguồn tiền khiến cho nhiều phòng ở không có người mua, nhiều dự án đang xây phải bỏ dở, thị trường bất động sản thì càng thêm áp lực.

Để giải quyết tình hình trước mắt, Trung Quốc mới đây đã kêu gọi các ngân hàng nhà nước ưu tiên cho các doanh nghiệp địa ốc vay tiền để hoàn thiện dự án. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã công bố và tiến hành thực hiện 16 biện pháp hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) mới đây cũng thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp nhất, giúp các ngân hàng thương mại đưa 70 tỷ USD tiền mặt vào cho vay. Một chi nhánh của PBoC còn đưa ra chính sách đảm bảo hoàn trả trái phiếu đối với nhà đầu tư, nhằm tăng cường uy tín cho các công ty địa ốc. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đồng ý giảm thuế cho những người mua nhà mới trong vòng 1 năm tiếp theo.

 Trung Quốc tuần này đã ban hành 16 biện pháp nhằm giúp đỡ các công ty địa ốc. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc tuần này đã ban hành 16 biện pháp nhằm giúp đỡ các công ty địa ốc. Ảnh: New York Times.

Ông Yi Gang, Thống đốc PBoC, mới đây đã cho biết cơ quan này luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách để ổn định thị trường bất động sản. "Thị trường nhà ở của Trung Quốc có liên quan đến rất nhiều ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, chính vì vậy, hỗ trợ thị trường địa ốc cũng là đang vực dậy nền kinh tế", ông nhấn mạnh.

Những hệ lụy

Dù hỗ trợ thị trường bất động sản là điều cần thiết, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Chính phủ Trung Quốc nên cẩn trọng hơn để tránh những trường hợp đầu cơ thay vì đầu tư.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố: "Nhà ở là nơi để trú ẩn, không phải tài sản để đầu cơ", và đây cũng chính là đường lối chính sách của nước này trong những năm gần đây.

PBoC trước đó còn áp đặt chính sách "ba lằn ranh đỏ" để hạn chế số tiền mà các nhà phát triển bất động sản có thể vay, nhằm ngăn chặn những hành động thao túng thị trường và đẩy giá nhà đất lên cao.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường nhà đất của Trung Quốc đã bị lạm phát giá từ lâu, ngay cả khi thực hiện những chính sách cứng rắn như vậy.

Theo những chuyên gia này, giá nhà mới xây tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện cao gấp 8,5 lần thu nhập trung bình của các hộ gia đình. Trong khi đó, trước khi bong bóng nhà đất nổ tung vào năm 2007, con số này ở Mỹ chỉ là 5,8.

Chính vì vậy, các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ nên điều chỉnh những chính sách phản ứng thường xuyên hơn, và sự thay đổi phải dựa trên tình trạng thị trường.

 Chính phủ Trung Quốc cần cẩn trọng hơn với những hệ lụy dài hạn. Ảnh: New York Times.

Chính phủ Trung Quốc cần cẩn trọng hơn với những hệ lụy dài hạn. Ảnh: New York Times.

Ngoài ra, Oxford Economics cũng cho biết còn một vấn đề dài hạn nữa mà Bắc Kinh đang phải đối mặt, đó là làn sóng di chuyển dân cư từ nông thôn đến thành thị của Trung Quốc đang giảm dần.

Cụ thể, theo dự đoán của công ty này, nếu nhu cầu nhà ở là 8 triệu căn/năm từ năm 2010-2019, thì con số này sẽ giảm một nửa chỉ còn hơn 4 triệu căn/năm kể từ năm sau.

Do đó, tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với Bắc Kinh là làm thế nào để quản lý sự suy giảm của ngành xây dựng và nhiều ngành công nghiệp liên quan, từ sản xuất sắt thép, xi măng đến đồ gia dụng.