“Điểm đen” của tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng
Vừa qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống có nhận được phản ánh của người dân TDP Vạn Xuân Thành, phường Xuân Lâm về điểm tập kết cát nằm sát tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng, đoạn qua TDP Vạn Xuân Thành, đang tồn tại nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người và phương tiện lưu thông qua “điểm đen” này.
Để có được những thông tin đa chiều, khách quan thông tin tới bạn đọc, Phóng viên (PV) của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã về địa phương để tiếp cận điểm tập kết cát người dân phản ánh. Qua quan sát, bãi cát nằm ngay khu đất mặt tiền, sát đường Nghi Sơn – Sao Vàng, tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao. Tại đây, khối lượng cát được tập kết trên diện tích khoảng 1.000 m2, xung quanh bãi không có hệ thống tường rào che chắn; cát được chất cao thành đống như núi, tràn cả xuống kênh thủy lợi của địa phương. Đặc biệt, tại thời điểm PV tác nghiệp, khoảng 30 mét chiều dài đường trước bãi tập kết cát dường như đã trở thành “ruộng cày” bởi bùn đất vương vãi; lớp bùn đất này chiếm đến hơn nửa làn đường, nhiều vị trí dày đến vài chục phân; gây ra cảnh trơn trượt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chị L. T. Q, người dân phường Xuân Lâm, chia sẻ: “Cát được chất đống cao hàng chục mét mà doanh nghiệp không hề có động thái che chắn hay hình thức bảo vệ nào. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben, xe tải ra vào thường xuyên khiến hơn 30 mét chiều dài đường bị chiếm dụng, các xe ra vào vận chuyển cát không được che chắn cẩn thận khiến cát rơi xuống lòng đường gây ô nhiễm môi trường. Tôi không biết bãi cát này có phép hay không, nhưng vị trí tập kết thì quá bất hợp lí. Hơn nữa, họ kinh doanh mà không có trách nhiệm với cộng đồng gì cả, mặc người dân sống trong bức xúc, bất an, họ vẫn hoạt động một cách vô tư, ngang ngược”.
Nhiều người dân đang lưu thông trên đường khi thấy PV chụp hình bãi cát cũng đứng lại phản ánh, cung cấp thêm thông tin. Một trong số đó thì tỏ rõ sự bức xúc: “Đó, các chú xem, họ kinh doanh ngang ngược thế đấy, đường của Nhà nước mà họ xem như mảnh vườn trong gia đình họ vậy. Cả tuyến đường rộng thênh thang, được đầu tư bài bản, mà lần nào chúng tôi di chuyển qua “điểm đen” này cũng phải chạy xe thật chậm, ngó nghiêng phải, trái, trước, sau để vừa tránh được lớp bùn đất đang án ngữ trên đường, vừa tránh xe “hổ vồ” từ trong bãi cát đi ra, rồi tránh cả xe phía sau có thể vượt lên, căng thẳng và bất an vô cùng. Mà tôi không hiểu sao chính quyền địa phương lại để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài như vậy?”
Chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm?
Người dân bức xúc là vậy, nhưng khi PV trao đổi nhanh với ông Nguyễn Bá Trí, Chủ tịch UBND phường Xuân Lâm thì lại nhận được những câu trả lời khá hời hợt: “Bãi cát này thuộc quyền quản lý của Công ty Kiên Trung. Bãi cát này có phép hay không thì về thẩm quyền tôi không kiểm tra, nhưng chắc có phép ấy mà. Về hoạt động của công ty thì chúng tôi không được kiểm tra độc lập”. Ngoài ra, khi PV có ý muốn chia sẻ những hình ảnh, thông tin đã thu thập được cho chính quyền để có cơ sở xử lý thì ông Trí lại không hề quan tâm: “Thôi, chả cần cung cấp đâu mà, điểm đó thì tôi biết. Ngày nào tôi chả có vài lần đi qua!”.
Với những dấu hiệu vi phạm trong thời gian dài của Bãi tập kết cát, và theo như lời ông Trí thì ông “đã biết rồi”, nhưng khi “đã biết rồi” thì liệu ông đã làm tròn trách nhiệm?
Nguyên nhân để xảy ra những tồn tại trên là do ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai của người sử dụng còn hạn chế. Nhưng bên cạnh đó, do chính quyền địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp xã chưa thực hiện đúng trách nhiệm theo Khoản 3 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn; tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Trước đó, tại buổi kiểm tra đột xuất một số bãi tập kết cát trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa, Nga Sơn và TP Thanh Hóa đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhấn mạnh: “Hoạt động của các bãi tập kết cát có vai trò quan trọng trong cung ứng vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, các bãi tập kết cũng như hoạt động khai thác phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Sẽ không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, nếu chưa hoàn thiện các thủ tục, các yêu cầu theo quy định thì phải tạm dừng hoạt động để bổ sung”.