Nghi vấn công trình sử dụng đất lậu ở Hà Tĩnh

Hợp đồng với mỏ đất 1 nơi, lấy đất một nẻo đang là thực trạng tại một số công trình xây dựng cơ bản ở Hà Tĩnh. Điều này đang khiến cho tình trạng đất lậu nóng lên ở Hà Tĩnh thời gian qua.

Gần đây, báo Bảo vệ pháp luật liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về vấn nạn “đất lậu”, “đất tặc” đang hoành hoành ở địa phương, trong đó chỉ rõ một số công trình xây dựng nghi vấn có sử dụng đất lậu, khi mà khối lượng đất lấy tại mỏ đất đã hợp đồng ít hơn rất nhiều so với khối lượng đất đã đắp tại công trình.

Khối lượng đất đắp công trình vượt thực tế lấy tại mỏ.

Dự án đường dốc bà Toàn – Hương Thọ (đoạn từ thôn Đồng Minh xã Hương Minh đến thôn 2 xã Hương Thọ) huyện Vũ Quang được UBND huyện Vũ Quang phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 6/11/2020.

Theo đó, Công ty TNHH Như Nam, có địa chỉ tại khối 7, phường Bắc Hồng – TX Hồng Lĩnh là đơn vị trúng thầu, với giá trúng thầu được phê duyệt là 26,903 tỉ đồng.

Hợp đồng thi công, khối lượng đất đắp tại công trình của công ty TNHH Như Nam là 47,2 nghìn m3 (Ảnh BT).

Tại phụ lục hợp đồng cho thấy, khối lượng mua và vận chuyển đất đắp K95 là 47,2 nghìn m3, tổng giá tiền là 7,874 tỉ đồng; mua và vận chuyển đất đắp K98 là 3,690 nghìn m3, tổng giá tiền là 629,8 triệu đồng.

Ông Phan Xuân Nam – Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Vũ Quang cho biết, khối lượng 47,2 nghìn m3 đất K95 được chủ đầu tư hợp đồng, cam kết với nhà thầu lấy tại mỏ đất Đồng Trạng (Sơn Diệm – Hương Sơn).

“Khối lượng đất đắp tại công trình phải được lấy từ mỏ đất hợp pháp, nhà thầu đã cam kết, hợp đồng với chủ đầu tư. Ở đây là mỏ đất bên Sơn Diệm, nhà thầu không được phép lấy đất ngoài điểm mỏ này để đắp tại công trình” – Lãnh đạo Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Vũ Quang khẳng định.

Đơn vị thi công đang thi công tại công trình đường dốc bà Toàn - Hương Thọ (Ảnh BT).

Trực tiếp nhân viên kỹ thuật của công ty TNHH Như Nam (PV gặp tại hiện trường), cũng cho biết, đất đắp tại công trình này đều phải lấy từ mỏ đất bên Sơn Diệm – Hương Sơn (mỏ Đồng Trạng, hay còn gọi là mỏ đất Thọ Lam).

Vậy nhưng, trong quá trình tìm hiểu nguồn gốc đất đắp tại dự án này của Công ty TNHH Như Nam, PV Báo Bảo vệ pháp luật nhận thấy điều bất thường, khi đất đắp thực tế tại hiện trường và đất lấy tại mỏ chênh lệch nhau khá lớn.

Khối lượng đất đắp tại công trình theo BQL dự án phải lấy tại mỏ Đồng Trạng (Ảnh BT).

“Hiện tại, nhà thầu đã thi công, khối lượng vận chuyển đất đắp tại công trình đạt 30%, tính ra khối lượng khoảng 15 nghìn m3” – Lãnh đạo Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện cho biết.

Thế nhưng, số liệu phản ánh tại đơn vị chủ quản của mỏ đất Đồng Trạng, lại cho thấy công ty TNHH Như Nam mới chỉ lấy đất tại đây khoảng… 3.000m3. Điều này đặt ra câu hỏi, còn 12.000m3 đất đã đắp tại công trình như Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện cho biết, nhà thầu lấy đất ở đâu?

Ban quản lý biết nhưng…ngó lơ?

Tương tự như trên, dự án xử lý cấp bách đê Tân Long (Hương Sơn) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự toán 44,3 tỉ đồng. Nhà thầu trúng thầu thi công dự án này là Công ty CP Xây lắp Thành Vinh (TP Hà Tĩnh).

Theo ông Trần Quốc Pháp – Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn, thì đất đắp tại công trình này, ngoài khối lượng đào đắp tại chỗ, có khối lượng đất phải lấy tại mỏ.

Cũng theo ông Trần Quốc Pháp, từ đầu năm đến nay, Ban quản lý 3 dự án, có đào đắp đất, là dự án đường 8A, 8B và đê Tân Long.

“Đầu năm giờ có 3 công trình, như đê Tân Long làm thì lấy đất trên mỏ, chỉ đắp bổ sung, chứ không phải đắp toàn phần. Đường 8A, 8B cũng đắp đất, tổng cũng khoảng 12.000 đến 13.000m3, không nhiều”.

Vậy nhưng, xác minh tại đơn vị chủ quản của mỏ đất Đồng Trạng, PV Báo Bảo vệ pháp luật được biết, nhà thầu Thành Vinh và tương tự không lấy đất tại mỏ đất Đồng Trạng. Điều này đặt ra câu hỏi, khối lượng đất đã đắp tại các công trình, các nhà thầu lấy ở đâu?

Mỏ đất Đồng Trạng - Nơi BQL dự án Hương Sơn cho biết hầu hết các công trình ở huyện lấy đất ở đây (Ảnh BT).

Trước nghi vấn của PV về các công trình có sử dụng đất lậu, ông Trần Quốc Pháp cho biết, thực trạng này có thể có nhưng Ban quản lý dự án khó kiểm soát hết được.

“Nhiều khi các nhà thầu thuê qua lại, ví dụ anh này làm nhưng đất đai lại thuê anh khác đổ…Cũng biết được có một số lấy đất không đúng chỗ mỏ, lấy ở đâu trên đó về công trình” – Ông Trần Quốc Pháp cho biết.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Quốc Pháp biện minh: Chẳng lẽ bây giờ mình làm việc với nhà thầu, cứ 1 xe vào công trình mình lại bắt trình phiếu xuất đất ở đâu về thì cũng phiền toái. Đất họ đổ xuống, mình thấy đất núi đất đồi đẹp rồi thì không lẽ mình chạy ra soi cái phiếu.

“Anh em cũng có soi, soi một lần hai lần chi đó, sau thì nhộm nhoạm cũng có thể không kiểm soát hết được” – Ông Trần Quốc Pháp nói.

Có hay không việc hợp thức hóa hồ sơ?

Liên quan vấn đề này, ông Lê Đức Thọ - Chủ mỏ đất Đồng Trạng cho biết một thực tế, các công trình dự án có đắp đất, khi đấu thầu các nhà thầu đều về xin ký hợp đồng với mỏ, nhưng sau khi đấu thầu xong thì các nhà thầu lấy đất chỗ khác, lấy đất lậu, dẫu trong hồ sơ thiết kế, hợp đồng với chủ đầu tư, các nhà thầu cam kết lấy đất tại mỏ đất chính quy.

Có hay không đất lậu được hợp thức hồ sơ tại các công trình? (Ảnh BT).

Ông Lê Đức Thọ ví dụ, như công ty TNHH Như Nam, có ký hợp đồng lấy đất tại mỏ Đồng Trạng, chuyển trước 200 triệu đồng. Nhưng đến nay họ mới chỉ lấy khoảng 3.000m3, trong lúc đó công trình này lượng đất đắp lên đến 47.000m3.

“Nhiều công trình khác nữa, tôi biết bên mời thầu chỉ định phải lấy đất mỏ Thọ Lam, nhà thầu cũng về làm hồ sơ, chụp ảnh mỏ gửi cho bên chủ đầu tư, bên mời thầu để chứng minh, làm thủ tục, xong rồi thì không thấy họ đâu nữa. Trong lúc mỏ Thọ Lam mang tiếng cung cấp hàng trăm nghìn m3 đất mỗi năm” – Ông Thọ bức xúc.

Đơn vị chủ quản mỏ đất Đồng Trạng khẳng định không cấp hóa đơn khống (Ảnh BT).

Về vấn đề xuất hóa đơn, ông Lê Đức Thọ khẳng định: “Tôi ký hợp đồng chứ lúc nào mua đất thực tế tôi mới xuất hóa đơn, không có chuyện tôi xuất hóa đơn khống để họ hợp thức hồ sơ thanh toán”.

Điều này đặt ra nghi vấn, các công trình có đắp đất, có chỉ định lấy đất tại các mỏ đất chính quy, hợp pháp, sau đó sẽ hợp thức hồ sơ, chứng từ như thế nào để nghiệm thu, thanh toán với khối lượng đất không lấy tại mỏ, khi phía mỏ đất chính danh không xuất hóa đơn?