Nghịch lý doanh nghiệp lỗ đậm nhưng giá cổ phiếu vẫn 'dậy sóng'

17/08/2022 17:02

Trên sàn chứng khoán, lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng thực tế giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh không phải lúc nào cũng chung đường.

Bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm đã được hé lộ khi các doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2022 sau soát xét. Tuy vậy, diễn biến thị trường chứng khoán gần đây cho thấy một nghịch lý, giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh không phải lúc nào cũng chung đường khi nhiều doanh nghiệp ra tin xấu về kết quả kinh doanh, nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh trong thời gian gần đây.

PLT - Công ty cổ phần Victory Capital: Tính từ đầu tháng 7, giá cổ phiếu PTL đã tăng hơn 48%, lên mức 6.500 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch 16/8. Đặc biệt, từ phiên giao dịch ngày 3/8 đến ngày 9/8, cổ phiếu PTL đã tăng trần 5 phiên liên tiếp, giá trị khớp lệnh của cổ phiếu này cũng có sự biến động mạnh đi từ vài trăm triệu đồng mỗi phiên lên hơn 8 tỷ vào hôm 9/8, bất chấp cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do báo cáo tài chính năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.

Diễn biến này đối lập hoàn toàn với kết quả kinh doanh quý II/2022, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 10,29 tỷ đồng, giảm 75,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 2,45 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 20,47 tỷ đồng, tức giảm 22,92 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 41,5% về chỉ còn 19%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Victory Capital ghi nhận doanh thu 34,06 tỷ đồng, giảm 35,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,6%, tương ứng tăng thêm 0,76 tỷ đồng lên 7,31 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 4,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng, tức giảm 21,66 tỷ đồng. Theo đó, tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế đã lên tới 430,7 tỷ đồng, bằng 43,1% vốn điều lệ.

ket-qua-kinh-doanh-theo-quy-cua-victory-capital-1660729907.png

DBC - CTCP Tập đoàn Dabaco: Trên thị trường trong hơn 1 tháng trở lại đây với câu chuyện giá thịt heo tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào và đẩy giá cổ phiếu DBC tăng với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ giá thịt heo tăng cao. Cụ thể, từ 21/6 đến 16/8, cổ phiếu DBC tăng 71,3% từ 16.430 đồng lên 27.500 đồng/cổ phiếu.

Song, diễn biến này cũng hoàn toàn đi ngược với kết quả kinh doanh trong quý II/2022, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 2.966,37 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 14,28 tỷ đồng, giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 18,1% về chỉ còn 9,6% - mức thấp nhất từ năm 2008 tới nay.

Theo Dabaco, nguyên nhân lợi nhuận quý II lao dốc chủ yếu do tốc độ tăng giá vốn cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh. Trong quý vừa qua, công ty đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán sản phẩm tăng không đáng kể.

Mặt khác, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và tái đàn khiến kết quả kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi giảm mạnh, ảnh hưởng chung toàn Tập đoàn.

ket-qua-kinh-doanh-theo-quy-cua-dabaco-1660729972.png

HNG - CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico: Mã cổ phiếu này cũng tăng mạnh 48% trong hơn 1 tháng qua, từ mức giá hơn 5.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7 lên 7.420 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch ngày 17/8.

Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính quý II/2022, doanh thu của HNG giảm mạnh 41% so với cùng kỳ, còn 148 tỷ đồng. Trong khi giá vốn lại tăng khiến cho HNG lỗ gộp 136 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, HNG đạt doanh thu 362 tỷ đồng, giảm 29% và lỗ ròng 670 tỷ đồng, lỗ gấp 5,5 lần cùng kỳ. Liên tục thua lỗ, khoản lỗ luỹ kế của HNG tính đến thời điểm 30/6/2022 là 4.097 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm hơn nửa, chỉ còn lại 2.852 tỷ đồng.

ket-qua-kinh-doanh-theo-quy-cua-hng-1660730024.png

VIG - Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam: Những tuần qua, VIG luôn nằm trong top các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn trong các phiên. Tính từ đầu tháng 7, cổ phiếu VIG đã ngược dòng tăng tới hơn 48% lên mức 8.800 đồng/cổ phiếu ngày 17/8 từ mức giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, về kết quả kinh doanh, tại thời điểm cuối quý II, công ty chứng khoán này còn lỗ lũy kế hơn 165 tỷ đồng. Mặc dù trong kỳ mang về 1,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

ket-qua-kinh-doanh-theo-quy-cua-vig-1660730131.png

Cổ phiếu đi ngược xu hướng nhờ câu chuyện riêng

Theo phân tích của các chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tiêu chí lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư này dựa trên những "câu chuyện riêng", còn lại không quá quan trọng việc doanh nghiệp có "ăn nên làm ra" hay không.

Trong trường hợp của Dabaco, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào việc giá thịt lợn tăng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi thế giới đi xuống rất mạnh sẽ tác động tốt đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong các quý tới, tạo động lực cho giá cổ phiếu phản ánh trước kỳ vọng.

Đối với trường hợp của Victory Capital, việc giá cổ phiếu tăng bất chấp nhiều thông tin tiêu cực là nhờ kỳ vọng kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (dự kiến triển khai trong quý III và quý IV/2022), cao hơn 50% thị giá hiện tại của cổ phiếu sẽ hỗ trợ cho đà tăng của PTL.

Theo thông tin được công bố, trong đợt phát hành này, Công ty cổ phần Grand House, một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần KoKo Capital mua vào 20 triệu cổ phiếu, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân khác.

Tương tự, kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn cũng là lý do tác động đến giá cổ phiếu VIG tăng trong thời gian qua. Theo đó, VIG sẽ chào bán 34,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 cho 11 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá 10.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn mức giá đóng cửa ngày 10/8/2022 là 9.000 đồng/cổ phiếu). Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long mua 8 triệu đơn vị, các cá nhân còn lại mua từ 1-3,1 triệu đơn vị.

Với hơn 2 triệu tài khoản được mở mới trong 7 tháng đầu năm, trong khi cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 1,53 triệu tài khoản, bên ngoài thị trường luôn có một dòng tiền mới chực chờ để tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn, dù cổ phiếu không dựa trên yếu tố cơ bản, mang tính đầu cơ cao.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, khi nào trên thị trường chứng khoán cũng tồn tại yếu tố đầu cơ, dù thị trường đi xuống hay đi lên. Nhưng thời gian gần đây, dòng tiền đầu cơ đang luân chuyển giữa các nhóm ngành có "câu chuyện riêng", mặc dù các ngành này chưa hiện thực hóa bằng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Động lực tăng trưởng thị trường vẫn dựa vào yếu tố cốt lõi

Suy cho cùng dù lợi nhuận doanh nghiệp không phải là tất cả nhưng vẫn là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu.

Trong báo cáo Tìm động lực thị trường chứng khoán 2022 công bố gần đây, Chứng khoán MB (MSB) trích dẫn ý kiến của TS. Quách Mạnh Hào, Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln, cho rằng, nếu như 2 năm qua, tiền rẻ và các gói kích thích kinh tế đóng vai trò là động lực chính cho thị trường chứng khoán thì thời gian tới sẽ là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và mức độ phục hồi của nền kinh tế.

"Một số dự báo cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tăng trưởng 10 - 15%, tức đạt khoảng 1.650 - 1.700 điểm vào cuối năm 2022. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi", TS. Quách Mạnh Hào nhận định.

Điều quan trọng hơn là sự quay lại với cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ quay lại dẫn dắt thị trường, vì theo chu kỳ tâm lý, khi nhà đầu tư nhìn thấy rủi ro, hoặc họ đã giải ngân vào những cơ hội rủi ro và nếm trải thất bại, nhà đầu tư sẽ cảnh giác và tìm đến những cơ hội an toàn để bảo toàn tài sản của mình.

Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, dịch Covid-19 đặt nền kinh tế Việt Nam ở trong một giai đoạn có nhiều biến động, xét cả về nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.

Theo đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết - dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới” của từng doanh nghiệp cụ thể.

Bạn đang đọc bài viết "Nghịch lý doanh nghiệp lỗ đậm nhưng giá cổ phiếu vẫn 'dậy sóng'" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#