Nghiên cứu bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN với nhân lực công nghệ cao

Để phát triển hơn nữa cho lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng thì cần bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao.

Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó có đề xuất bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao (CNC) làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản, bao gồm: doanh  nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, dự án sản xuất sản phẩm CNC thuộc danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.

Theo Bộ Tư pháp, điều 5 Luật thuế TNCN quy định: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Quy định này thể hiện thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn.

(Ảnh minh họa)(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo Luật thuế TNCN thì việc ưu đãi miễn, giảm thuế TNCN không áp dụng đối với cá nhân là nhân lực CNC, trong khi đó đây là lực lượng lao động quan trọng cần có cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tư pháp cho rằng, nước ta đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố cơ bản như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất. Thực tế thực hiện thấy rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia nằm ở chính doanh nghiệp và được thể hiện qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả của sản phẩm. Sự khác biệt về chất lượng và giá cả sản phẩm đến từ chính năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp, trong đó yếu tố công nghệ, nhân lực có trình độ hiểu biết, sử dụng công nghệ là then chốt.

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, chính sách thuế TNCN hiện hành chưa có quy định ưu đãi phù hợp để thu hút các cá nhân có trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong ngành khoa học và công nghệ. Vì vậy, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này do thiếu nhân lực phù hợp để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đặc biệt khi các lĩnh vực như CNTT, nông nghiệp đang là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước ta hiện nay.

Bộ Tư pháp dẫn chứng, một số nước cho phép giảm hoặc miễn thuế đối với thu nhập của cá nhân có trình độ chuyên môn cao làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc,…).

Quy định cụ thể về chính sách thuế TNCN đối với lao động làm việc trong khu kinh tế, khu công nghệ cao và nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của một số nước, ví dụ như: Hàn Quốc quy định giảm 50% thuế TNCN đối với kỹ sư, kỹ thuật viên nước ngoài có trình độ cao có đủ năng lực cung cấp dịch vụ tại Hàn Quốc cho một tổ chức trong nước theo thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật hoặc nghiên cứu viên nước ngoài làm việc tại trung tâm nghiên cứu của công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong vòng 5 năm.

Philippines cho phép cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú chịu thuế suất thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từ 5-32%, tuy nhiên các cá nhân giữ vị trí quản lý và kĩ thuật cao làm việc tại Trụ sở của các công ty đa quốc gia (Regional Head Quarters) và các công ty nước ngoài sẽ áp dụng một mức thuế suất TNCN thống nhất là 15%. Thuế TNCN của Belarus quy định 3 mức thuế suất: 15%, 12% và 9%, trong khi đó thu nhập của các cá nhân cư trú trong khu công nghệ cao (ngoại trừ nhân viên cung cấp dịch vụ bảo trì và bảo vệ nhà xưởng, đất đai khu công nghệ cao) mức thuế suất thấp nhất là 9%.

Ở một số nước tuy không xếp vào nhóm thu nhập được miễn thuế song cũng có quy định cho phép áp dụng mức giảm trừ bổ sung khi xác định thu nhập chịu thuế của người lao động có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (ví dụ như Bỉ, Braxin, Bruney, Thái Lan…). Đây cũng là phương thức để gián tiếp giảm nghĩa vụ thuế TNCN cho các lao động có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Để phát triển hơn nữa cho lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng, Bộ Tư pháp kiến nghị cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia thực hiện trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp, chế biến nông sản.

Mức giảm thuế TNCN đối với nhóm đối tượng này cần được nghiên cứu, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu về khuyến khích các đối tượng cần ưu tiên thu hút, duy trì hợp lý mức động viên NSNN và không làm sai lệch vai trò của chính sách thuế TNCN.

Theo đó, có thể nghiên cứu để bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực CNC làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, chế biến nông sản, bao gồm: doanh nghiệp CNC, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển, dự án sản xuất sản phẩm CNC thuộc danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.

Đồng thời, do việc xác định cá nhân là nhân lực CNC phụ thuộc vào nhiều tiêu chí cũng như các định hướng phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Theo đó, cũng cần nghiên cứu để có quy định giao Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định cá nhân là nhân lực CNC để làm cơ sở xác định giảm thuế TNCN.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc bổ sung quy định giảm thuế TNCN đối với nhân lực CNC nêu trên sẽ đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời góp phần thu hút nhân lực CNC, đóng góp vào quá trình chuyển dịch kinh tế đất nước từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có giá trị gia tăng cao nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Đồng thời, thực hiện quy định này sẽ góp phần thu hút nhân lực CNC vào làm việc trong các Khu CNC theo quy hoạch của Nhà nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tiềm lực khoa học và công nghệ đất nước. Thực hiện chính sách giảm 50% số thuế TNCN cho các đối tượng nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN tuy nhiên mức giảm không lớn và có thể được bù đắp từ việc tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu...).