Theo các chuyên gia ý tế, tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây tăng gánh nặng cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Tăng huyết áp từ lâu đã được xem như một "kẻ giết người thầm lặng" vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng.
Người bệnh tăng huyết áp thường kèm với béo phì hoặc vượt cân, chúng tỷ lệ thuận với nhau. Huyết áp của phần đông người bệnh thường giảm xuống khi được giảm cân, và cân nặng tăng lên thì huyết áp cũng tăng lên. Cho nên khống chế hấp thu năng lượng, làm cho cân nặng đảm bảo trong phạm vi bình thường rất quan trọng đối với việc phòng trị tăng huyết áp.
Tuy nhiên, sau những ngày Tết, cân nặng của nhiều người thường bị tăng lên do khẩu phần ăn thay đổi, uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều bánh chưng, đồ ăn chiên xào, đồ ăn chế biến sẵn… trở thành mối nguy cho những người bị tăng huyết áp. Vậy ngày Tết người bị tăng huyết áp cần phải có chế độ ăn như thế nào để luôn đảm bảo sức khỏe?
Trao đổi với Báo, TS.BS Trần Khánh Vân - Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong những ngày Tết chúng ta thường tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn, ăn nhiều hơn. Đặc biệt là những thức ăn chế biến sẵn như thịt nguội, các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt kho, cá kho, thịt nấu đông… chứa hàm lượng muối cao, mà chế độ ăn cho người tăng huyết áp lại phải ít muối.
"Muối là một trong những nguyên nhân, chính vì vậy nếu người bệnh không tự biết cách tiết chế, lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm trong những ngày Tết thì sẽ khiến cho huyết áp bị tăng lên. Không ít trường hợp sau Tết phải quay lại bệnh viện để điều trị tăng huyết áp, đấy là chưa kể đến những trường hợp bị đột quỵ", TS.BS Trần Khánh Vân phân tích.
Đồng quan điểm, GS.TTND. Lê Danh Tuyên - Nguyên Viện trưởng trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, người bị tăng huyết áp bắt buộc phải ăn nhạt, lượng natri phải < 4gr/ngày.
Theo các chuyên gia, ngoài thói quen ăn mặn thì trong những ngày Tết, người Việt thường có thói quen uống những loại đồ uống có cồn để tạo niềm vui như nước ngọt, rượu vang, rượu mạnh, bia một cách triền miên trong thời gian dài… Đây cũng là nguyên nhân làm tăng gánh nặng của tăng huyết áp, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
"Rượu vang nếu chỉ uống một ly nhỏ mỗi ngày sẽ có tác dụng kích thích hệ tim mạch. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ nhiều, trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Chưa kể đến việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị thiếu vitamin và các khoáng chất, đặc biệt là hội chứng do thiếu vitamin B1 sẽ dẫn đến những triệu chứng về thần kinh", Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, không chỉ trong những ngày Tết mà thường ngày người bệnh tăng huyết áp cũng nên ăn các loại cá, hải sản, ăn dầu thực vật thay mỡ; ăn các loại ngũ cốc và tập ăn nhiều trái cây tươi (loại không ngọt), ăn tăng rau quả (cần tây, cải cúc, rau muống, cà chua nấu chín (để giữ Lycopene), cà rốt, nấm hương, mộc nhĩ; ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo xát rối,…
Không nên ăn các loại thịt đỏ (thịt heo, thịt bò…), các loại sữa quá béo, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, các loại thức ăn nhanh và các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng chứa rất nhiều chất béo có hại cho cơ thể, gây ra nguy cơ bệnh tim mạch. Người bệnh tăng huyết áp cũng nên hạn chế tối đa các loại nước ngọt có gas, bia, rượu…