Người dân chung cư Hoà Phát, Hà Nội: Khổ sở vì nước sinh hoạt bị vẩn đục

Hơn 3 năm sinh sống tại tòa nhà chung cư Hòa Phát (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người dân liên tục chứng kiến nước sinh hoạt có tình trạng vẩn đục, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Dù đã phản ánh nhiều lần đến chủ đầu tư, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

nuoc-sinh-hoat-1656730301.jpgNước sinh hoạt có hiện tượng màu vàng, nhiều cặn bẩn. Ảnh: P.V

Mua nước sạch nhưng phải dùng nước bẩn

Phản ánh tới Báo Lao Động, tập thể cư dân Chung cư Hoà Phát (quận Hoàng Mai) cho biết, hơn 3 năm qua, nước sinh hoạt cấp đến các hộ dân thường xuyên bẩn trong thời gian dài, đã và đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của toàn bộ cư dân.

Theo chị D.V.K.C (31 tuổi), năm 2019, chị chuyển vào sinh sống trong một căn hộ thuộc chung cư này. Sau đó không lâu, chị C phát hiện chất lượng nước sinh hoạt tại căn hộ của mình có một số hiện tượng như màu vàng, nhiều cặn bẩn, đóng váng... dễ dàng phát hiện bằng mắt thường.

Chị C cho hay, do nguồn nước bị ô nhiễm nên hầu hết nhà nào cũng phải trang bị bình lọc nước để sử dụng cho việc ăn uống. Còn tắm giặt, các sinh hoạt khác vẫn sử dụng từ nguồn nước vẩn đục.

“Không còn cách nào khác nên chúng tôi vẫn phải dùng nguồn nước này tắm gội cho con nhỏ. Nếu xả nước vào chậu tắm và phải đổ đi 4 chậu thì nước mới đỡ bẩn hơn một chút. Việc sử dụng nước sinh hoạt không sạch ảnh hưởng rất lớn các bệnh viêm nhiễm ngoài da. đã có nhiều trường hợp, nhất là trẻ em phải đi điều trị vì bị ngứa ngáy khi dùng nguồn nước này” - chị C nói.

Còn chị L.T.M (35 tuổi, cư dân) cho hay, gia đình chị phải chịu cảnh sử dụng nước bẩn thường xuyên hơn so với các căn hộ khác. Do nước quá bẩn nên mỗi lần con cái tắm giặt đều nổi mẩn ngứa.

“Tình trạng nước bẩn xuất hiện trong nhiều năm như vậy nhưng chưa ai trả lời chính xác cho chúng tôi nguyên nhân vì đâu” - chị M chia sẻ.

Dù đã kiến nghị nhiều lần với chủ đầu tư nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết triệt để. Lo ngại cho sức khỏe gia đình, mới đây chị M đã quyết định bán nhà, chuyển đi sinh sống ở khu vực khác.

Tìm hiểu của PV, không chỉ riêng căn hộ của chị C, chị M mà hơn 200 căn hộ ở chung cư Hòa Phát đều gặp sự cố này. Nhiều cư dân tỏ ra rất lo lắng bởi nguồn nước bẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn sức khoẻ của cả gia đình, đặc biệt các trẻ nhỏ.

Để có nước sinh hoạt sạch và đảm bảo an toàn, nhiều cư dân đã chủ động mua thêm thiết bị lọc nước; dùng khăn bịt các đầu vòi lọc bớt cặn để dùng tạm hay gọi đội kỹ thuật của ban quản lý lên từng căn hộ để mở đường ống ra để xả cặn…

Bể chứa nước không đúng với bản vẽ

Khi xuất hiện tình trạng trên vào năm 2019, thời điểm đó, Ban quản lý và chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân là do nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Mai. Sau đó, chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt hệ thống lọc tổng đầu vào dưới tầng hầm và thau rửa bể chứa nước, đường ống. Tuy nhiên, chất lượng nước tại các căn hộ vẫn không có sự cải thiện, mà còn bẩn hơn mỗi ngày.

Sau nhiều lần kiến nghị về tình trạng nước bẩn, đến ngày 23-24.6 vừa qua, chủ đầu tư đã thuê đơn vị đến vệ sinh hệ thống bể nước ngầm và bể mái.

Theo anh Bùi Mạnh Tân (40 tuổi, cư dân), mỗi năm, chủ đầu tư sẽ tiến hành vệ sinh bể chứa một lần. Nhưng những lần trước đó, mức độ vệ sinh đều không được đảm bảo.

“Lần này cư dân tạo áp lực với chủ đầu tư làm tổng thể và chặt chẽ, kỹ càng hơn những lần trước. Đến nay, nguồn nước đã sạch hơn so với thời điểm chưa thau dọn bể chứa. Tuy nhiên, người dân vẫn mong muốn chủ đầu tư sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này” - anh Tân nói.

Theo nhiều cư dân, thời điểm vệ sinh bể, nước sinh hoạt tiếp xúc trực tiếp với lớp chống thấm bể; lớp chống thấm đã bị mủn, bong tróc nhiều vị trí tạo cặn bẩn lẫn vào trong nước cấp đến các căn hộ; bề mặt bể bám rất nhiều cặn bẩn, bùn đất; vệ sinh thau bể không đạt yêu cầu, hiện tại chất lượng bề mặt bể không đảm bảo yêu cầu về chứa nước sạch sinh hoạt…

Trong quá trình thau rửa bể, cư dân phát hiện chủ đầu tư đã thi công bể chứa nước không đúng so với bản vẽ thiết kế được thẩm tra, đồng thời cho rằng, đây là một phần lý do khiến nước sinh hoạt của toà nhà bị ảnh hưởng.

Phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Thương mại Hà Nội để trao đổi về vấn đề trên, nhưng chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.